Khoa học phát triển, sản phẩm công nghệ được tạo ra với giá thành rẻ đã lấn át nhiều ngành nghề truyền thống. Song, có một làng nghề cha truyền con nối vẫn tồn tại, phát triển xuyên suốt chiều dài hàng trăm năm lịch sử - đó là làng rèn Lý Nhân, hay còn gọi là làng rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường.
Nép mình ở vùng đất bãi bên sông Hồng, làng rèn Lý Nhân có tuổi đời hàng trăm năm. Được công nhận làng nghề rèn truyền thống từ năm 2006, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân hiện có gần 700 hộ làm nghề.
Nét đặc trưng khi đến với làng nghề là tiếng búa, tiếng đe vang khắp đường làng, ngõ xóm.
Xưởng sản xuất xẻng của gia đình anh Nguyễn Văn Lý quanh năm tất bật; mỗi ngày, xuất bán ra thị trường 300 lưỡi xẻng; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức thu nhập 200-300 nghìn đồng/người/ngày.
Bên trong một xưởng chuyên cán sắt từ nhíp ô tô để làm nguyên liệu cho các loại dao tông.
Ở độ tuổi ngũ tuần, ông Vũ Văn Quý đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề. Dù vất vả, nặng nhọc, song vợ chồng ông vẫn ngày đêm bám trụ với nghề truyền thống của cha ông.
Hiện nay nhiều hộ sản xuất cũng mua sắm các lò đốt điện hiện đại để bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất lao động.
Cũng như mua sắm các loại máy đập thay thế sức người.
Nhờ có làng rèn truyền thống, đời sống nhân dân địa phương ngày càng được nâng cao.
Chùm ảnh của Khánh Linh