Vĩnh Phúc đã vinh dự 8 lần được đón Bác Hồ về thăm. Khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn nắm chắc thời cơ, vận hội, tạo nên những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta như mong muốn của Người.
Ông Trần Xuân Viên xúc động nhớ lại lần vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người về thăm xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên năm 1956. Lời nhắc nhở, động viên của Bác năm xưa luôn "dẫn lối, chỉ đường" cho ông trong suốt cuộc đời cách mạng.
Tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu, xã Tân Phong xây dựng Nhà lưu niệm Bác Hồ tại thôn Yên Định.
Ngôi nhà của cụ Đỗ Thị Đằng được Bác đến thăm năm xưa nay đã xây mới khang trang, là nơi để các thế hệ con cháu ôn lại truyền thống, học tập, công tác tốt để xứng đáng với những tình cảm của Bác.
Nhớ lời dạy của Bác, xã Tân Phong đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nền tảng cho sự phát triển của địa phương.
Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ khi Người về thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Lai Sơn thuộc xã Cộng Hòa, huyện Tam Dương (nay là phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên) năm 1958, nhân dân tổ dân phố Lai Sơn tích cực phát triển kinh tế. Điển hình như đoàn viên Nguyễn Văn Hoàng đã thành lập Công ty TNHH HTH Vĩnh Phúc với doanh thu hơn 4 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương.
Tự hào là đơn vị đứng đầu miền Bắc trong phong trào trồng cây, được Bác Hồ về thăm ngày 25/1/1961, thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường luôn tích cực trồng cây xanh để bảo vệ môi trường.
Năm 1963, Bác Hồ đến thăm thị trấn Tam Đảo và có những lời dạy bảo chan chứa ân tình, trở thành “kim chỉ nam” để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn xây dựng Tam Đảo trở thành khu du lịch nổi tiếng, Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới.
Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông đã trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội đúng như mong muốn của Người.
Chùm ảnh: Trà Hương - Minh Hường