Đồng bào Sán Dìu ở Vĩnh Phúc sinh sống ở vùng bán sơn địa nên ẩm thực rất phong phú và đa dạng. Nhiều món ăn được chế biến cầu kỳ và có những bí quyết riêng, thể hiện bản sắc văn hóa ẩm thực độc đáo của người Sán Dìu.
Trong các món ăn của người Sán Dìu, món bánh gio và bánh chưng gù được làm vào dịp Tết Cả (Tết Nguyên đán) là độc đáo hơn cả.
Người Sán Dìu quan niệm bánh chưng gù có đẹp, có ngon thì phước lộc, an khang năm đó mới đầy nhà. Chính vì mang một ý nghĩa thiêng liêng như vậy nên bánh chưng gù được gói rất cẩn thận.
Để bánh rền và ngon, phải nấu bằng bếp củi trong 7 - 8 giờ.
Bánh chưng gù ngon phải được luộc thật rền, khi ăn sẽ cảm nhận được hương vị của thịt lợn ướp thơm, đỗ xanh nấu nhừ hòa quyện với gạo nếp nương dẻo bùi.
Mâm cỗ cúng tổ tiên ngày 30 Tết đầy đủ các món ăn, lễ lạt, bánh trái, nhưng không thể thiếu bánh gio và bánh chưng gù.
Một trong những loại bánh truyền thống độc đáo của người Sán Dìu là bánh trứng kiến. Với sự dẻo thơm của gạo nếp, vị béo ngậy của trứng kiến và vị bùi của lá ngõa đã tạo nên một hương vị đặc trưng mà không loại bánh nào có được.
Các món ăn đặc trưng được người Sán Dìu làm trong những dịp lễ, Tết hoặc những dịp đặc biệt.
Những món ăn truyền thống mà đồng bào dân tộc Sán Dìu còn lưu giữ đã góp phần làm phong phú văn hóa ẩm thực của người Việt.
Chùm ảnh của Kim Ly - Dương Chung