Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), trong chuyến hành trình về nguồn đến với mảnh đất Điện Biên anh hùng, chúng tôi đã có dịp tới thăm những địa danh lịch sử gắn liến với chiến thắng lẫy lừng như đồi A1, hầm Đờ Cát… Ngày nay, những chứng tích chiến tranh dẫu không còn nguyên vẹn, nhưng những dấu tích của một thời bom đạn vẫn còn đây, sẽ mãi trường tồn cùng non sông đất nước nhằm giáo dục các thế hệ con cháu về truyền thống và khí phách đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam.
Đồi A1 là cứ điểm kiên cố, thuộc hệ thống các cao điểm phòng ngự phía Đông của phân khu trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại đây, quân Pháp bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc, liên hoàn.
Trận tiến công cứ điểm đồi A1 là một trong những trận đánh ác liệt, kéo dài nhất, hy sinh nhiều nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, các cán bộ, chiến sĩ, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, vượt mọi hy sinh, gian khổ, giành giật với quân Pháp từng ụ súng, từng đoạn chiến hào.
Trải qua 39 ngày chiến đấu cam go, ác liệt (từ 30/3 - 7/5/1954) các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức 5 đợt tiến công. Đến 4h30 ngày 7/5/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm.
Tại đồi A1 hiện còn lưu giữ nguyên vẹn hệ thống đường giao thông hào tiếp viện và bãi rào kẽm gai bảo vệ vòng ngoài của thực dân Pháp.
Để cắt đường tiếp viện của địch lên đồi A1, ngăn chặn việc bị tấn công mạn sườn, lô cốt cây đa cụt được Đại đội 671, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 tiêu diệt lúc 1h30 ngày 7/5/1954.
Hệ thống đường hào, công sự lô cốt đại liên bảo vệ Ban chỉ huy cứ điểm A1 bị các Đại đội 315, 317, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 326 đánh chiếm đêm 6/5/1954.
Xác 1 trong 2 chiếc xe tăng nặng 18 tấn được Pháp đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để hòng phản kích quân đội Việt Nam.
Thời điểm quyết định số phận của cứ điểm A1 là 20h30 phút ngày 6/5/1954 khi khối bộc phá ngàn cân được chiến sĩ Nguyễn Văn Bạch điểm hỏa và cũng là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng. Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, bộ đội ta đã kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược tại đồi A1 vào lúc 4h30 phút sáng ngày 7/5/1954, góp phần quan trọng quyết định chiến thắng cuối cùng của quân ta hơn 10 tiếng đồng hồ sau đó.
Cứ điểm đồi A1 là bức bình phong, lá chắn thép của Mường Thanh. Sau khi giải phóng đồi A1, vào lúc 16h20 phút, ngày 7/5/1954, Đại đội 360 thuộc Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 đã tiến công thẳng vào hầm ngầm của Thiếu tướng Đờ Cát, bắt sống toàn bộ Ban chỉ huy Tập đoàn cứ điểm của Pháp và phất cao ngọn cờ "Quyết chiến, quyết thắng" trên nóc hầm chỉ huy của Tướng Đờ Cát, báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng.
70 năm đã trôi qua, chứng tích đồi A1 trở về trong dáng vẻ yên bình vốn có của một đất nước Việt Nam độc lập, tự chủ, tự cường, yêu chuộng hòa bình, nhưng huyền thoại từ Bùn, Máu và Hoa của đất và người vùng Tây Bắc vẫn ngời sáng, bất tử trong lòng dân tộc…
Sắp đến những ngày tháng 5 lịch sử, dòng người lại đổ về mảnh đất Điện Biên, thăm chiến trường đồi A1 xưa để cảm nhận sự hy sinh, mất mát to lớn của thế hệ cha anh và mãi tự hào về Tổ quốc.
Ngày 7/5/2004, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đặt trên Đồi D1, trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên khánh thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nơi đây được coi là công viên chiến thắng - công viên hòa bình, là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Chùm ảnh của Khánh Linh