Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1908, trên đỉnh đồi Khau Cả (tiếng Thái nghĩa là vững chắc), nay thuộc tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La để bắt giữ và tra tấn những người yêu nước Việt Nam.
Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản.
Chính trong hoàn cảnh đó đã biến nơi đây trở thành lò đào tạo, bồi dưỡng những chiến sĩ tiêu biểu, xuất sắc, đóng góp chung vào thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Nhà tù Sơn La ban đầu có diện tích 500 m2 nhưng đến năm 1940, thực dân Pháp mở rộng lên 2.170 m2.
Nhà tù được xây dựng kiên cố bằng đá lẫn gạch, có độ dày 40-60 cm.
Khu xà lim ngầm sâu dưới lòng đất 3,5 m với diện tích 110 m2. Đây là một trong những khu tăm tối nhất của nhà tù. Thực dân Pháp dùng để giam những tù nhân mà chúng cho là “đặc biệt nguy hiểm”.
Khu vực bêu đầu người bị hành quyết để thị uy.
Trong 15 năm (từ 1930 - 1945), Nhà tù Sơn La đã giam giữ 1.007 lượt tù nhân Cộng sản, trong đó có nhiều đồng chí là Thành ủy, Xứ ủy, Trung ương Ủy viên như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Hiệu, Nguyễn Đức Tâm, Lê Đức Thọ... và nhiều đồng chí khác. Đặc biệt, Nhà tù Sơn La chính là nơi yên nghỉ của đồng chí Tô Hiệu, người lãnh tụ kiên cường, bất khuất của cách mạng Việt Nam trong thời gian bị giam cầm ở đây. (Trong ảnh nơi giam giữ đồng chí Tô Hiệu).
Vượt lên trên gông cùm và tội ác của thực dân Pháp, những người Cộng sản Việt Nam đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, biến những phòng giam lạnh lẽo thành tổ ấm, thắm tình đồng chí của những bạn tù.
Nhà tù Sơn La hiện không còn được nguyên vẹn vì trải qua hai trận đánh phá bằng bom của giặc. Lần thứ nhất vào năm 1952. Khi rút khỏi Sơn La, thực dân Pháp cho máy bay thả bom phá nhà tù nhằm xóa dấu vết tội ác của chúng. Lần thứ hai vào năm 1965, đế quốc Mỹ đánh phá thị xã Sơn La (cũ) đã thả bom phá hủy phần còn lại của Nhà tù Sơn La...
Đến với Nhà tù Sơn La, du khách sẽ được chứng kiến hàng trăm hiện vật, những công cụ tra tấn - những chứng tích sống về tội ác dã man của kẻ thù như còng tay, xích sắt, bàn kẹp sắc nhọn…
Nhà tù Sơn La được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962, Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2014. Di tích Nhà tù Sơn La hiện là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho các dân tộc tỉnh Sơn La và nhân dân cả nước.
Chùm ảnh của Khánh Linh