Đây là chủ đề của Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3) năm 2024. Để Ngày Quốc tế hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc xây dựng gia đình, cộng đồng hạnh phúc.
Hạnh phúc của ông Nguyễn Văn Cường, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên là khi các thành viên trong gia đình được quây quần bên nhau. Ảnh: Kim Ly
Tôi tình cờ đọc được trên báo điện tử Dân trí một bài viết của tác giả Lê Phong (Thành phố Hồ Chí Minh) kể về chuyến du lịch đến đất nước Bhutan - quốc gia hạnh phúc nhất thế giới với những trải nghiệm chân thực, thú vị. Bhutan lấy chỉ số hạnh phúc làm thước đo cho sự phát triển của quốc gia thay vì GDP. Quốc gia này không có người ăn xin, không có người vô gia cư, không có nhà tù vì tỷ lệ tội phạm rất thấp.
Ở đất nước này, những bộ quần áo thời thượng, điện thoại thông minh, máy tính bảng… là những thứ vô giá trị. Người dân làm việc vừa đủ cho cuộc sống cơ bản. Họ yêu thiên nhiên, trân trọng từng cánh rừng, dòng sông, nhành hoa, ngọn cỏ… Người Bhutan sống chậm, hít thở sâu, thật thà trong từng suy nghĩ, hài lòng với thực tại. Ở đây, hạnh phúc được định nghĩa bằng những điều giản dị nhất.
Bài viết khiến tôi dành nhiều thời gian để suy ngẫm về bản chất thực sự của hạnh phúc và tự đặt ra nghi vấn. Phải chăng hầu hết chúng ta đều có những suy nghĩ lầm lạc về bản chất của hạnh phúc? Ai cũng cho rằng đích đến của cuộc đời là hạnh phúc, song họ lại lầm tưởng hạnh phúc là tiền bạc, danh vọng, nên cứ mải miết chạy theo những thứ phù du ấy.
Cuối cùng thứ họ nhận được không phải là hạnh phúc mà chỉ toàn những lo toan, đố kỵ, ganh ghét. Bởi mỗi khi đạt được một mục tiêu nào đó, họ lại muốn đạt được thứ cao hơn, chẳng khi nào họ cảm thấy hài lòng với những gì mình có.
Khi đã sở hữu được danh vọng, tiền tài, vật chất, họ lại lo lắng ngày đêm tìm mọi cách để giữ cho riêng mình. Cho đến hết cuộc đời, họ không tìm được giá trị thực sự của hạnh phúc.
Hóa ra, hạnh phúc nằm ở những điều bình dị nhất. Hạnh phúc là biết đủ, biết hài lòng với cuộc sống thực tại. Hạnh phúc là cho đi chứ không phải chỉ biết nhận lại và giữ cho riêng mình. Khi đã hiểu được bản chất thực sự của hạnh phúc, người ta mới tìm được đúng con đường để đi đến hạnh phúc.
Để có được hạnh phúc, mỗi người cần cố gắng, nỗ lực trên nhiều phương diện như học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, trao đi tình yêu thương, xây dựng gia đình hạnh phúc, làm việc có ích cho xã hội…
Nhân dịp Ngày Quốc tế hạnh phúc, mỗi người trong chúng ta hãy gác lại những bộn bề, lo toan của cuộc sống, suy ngẫm về các giá trị nhân văn tốt đẹp, về những hạnh phúc giản đơn đã vô tình bị bỏ lỡ giữa dòng đời hối hả, ngược xuôi.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về hạnh phúc, ý thức xây dựng hạnh phúc, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực tuyên truyền về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử Ngày Quốc tế hạnh phúc, các chủ đề, thông điệp Ngày Quốc tế hạnh phúc.
Sở VH-TT&DL tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề “Xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc”; tổ chức triển lãm ảnh các hoạt động về xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững; tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, pa nô, áp phích; phát tờ rơi và tuyên truyền lưu động về Ngày Quốc tế hạnh phúc tại trụ sở các cơ quan, trường học, các trục đường chính, nơi công cộng, nơi tập trung đông dân cư. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng phóng sự “Hạnh phúc từ những điều bịnh dị”...
Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; lịch sử, ý nghĩa của Ngày Quốc tế hạnh phúc; nêu gương người tốt, việc tốt trong xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.
Các nội dung được tuyên truyền thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ tại địa phương; chạy các dòng chữ có nội dung truyền thông về Ngày Quốc tế hạnh phúc trên màn hình Led tại trung tâm quảng trường các huyện, thành phố; tuyên truyền trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo…).
Trong dịp này, các tổ chức, doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động từ thiện, thăm hỏi, giúp đỡ cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần yêu thương, chia sẻ.
Thông qua các hoạt động giúp mỗi người nhận ra được giá trị của hạnh phúc; có hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc.
Bạch Nga