Những năm qua, với sự nỗ lực của ngành giao thông cũng như các địa phương, hàng loạt dự án giao thông tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã được triển khai, từng bước thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông khu vực. Từ đó, mở ra cơ hội để các địa phương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Ngược thời gian hơn 1 thập kỷ trước, huyện Sông Lô còn là vùng đất xa xôi, đi lại khó khăn, tứ bề được ngăn cách bởi sông và núi. Nhưng giờ đây, đến với Sông Lô chưa bao giờ lại dễ dàng đến thế nhờ đường cao tốc Nội Bài -Lào Cai và các tuyến đường huyết mạch khác.
Thênh thang đường về Sông Lô hôm nay.
Giao thông phát triển, mở ra cơ hội lớn cho địa phương trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với KCN Sông Lô 1, KCN Sông Lô 2 đang dần hình thành.
Sông sâu đã có cầu lớn bắc qua... Trong ảnh: Cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô, nối liền Vĩnh Phúc với Phú Thọ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, rút ngắn thời gian lưu thông, đảm bảo an toàn, kết nối giao thương, phát triển kinh tế-xã hội vùng.
Là huyện trọng điểm về du lịch, Tam Đảo giờ đây có hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Những tuyến đường du lịch được nâng cấp mở rộng giúp du khách đi lại thuận tiện, an toàn.
Hướng về nông thôn, huyện đầu tư làm mới và hoàn thành việc nâng cấp toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn gắn với trục chính, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, đồng bộ và thuận tiện.
Các đập tràn vốn là “đặc sản” của Tam Đảo hầu hết được thay thế bởi những cây cầu, giúp xóa đi nỗi lo an toàn giao thông mỗi khi bước vào mùa mưa bão.
Mở rộng liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội của những xã vùng sâu, vùng xa nhờ cầu lớn, đường huyện...
Trong ảnh: Đường huyện đi qua xã Yên Dương, cầu Hợp Lý bắc qua sông Phó Đáy nối huyện Lập Thạch với huyện Tam Đảo được đầu tư đồng bộ, hiện đại, mở lối giao thương với các tỉnh miền núi phía Bắc…
Chùm ảnh của Khánh Linh