Dịp Tết đến, Xuân về, mỗi đồng bào dân tộc Việt Nam lại có những phong tục độc đáo, đặc trưng để đón Tết cổ truyền mừng năm mới. Một trong số đó phải kể đến phong tục đón Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Trên địa bàn Vĩnh Phúc có hàng chục dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Sán Dìu chiếm số lượng lớn nhất, trên 90%, tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Xuyên, Tam Đảo, Lập Thạch và thành phố Phúc Yên.
Đối với người Sán Dìu ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết Cả vì trong năm còn có nhiều cái Tết khác như Tết Thanh minh (tháng 3), Tết Rằm (tháng 7)… Khác với người Kinh, vào ngày 23 tháng Chạp, người Sán Dìu không cúng cá chép mà thay vào đó họ chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng.
Bánh chưng của người Sán Dìu không có hình vuông mà là hình trụ, hơi nhô lên ở giữa, người Sán Dìu gọi là bánh chưng gù.
Người Sán Dìu có tục dán giấy đỏ trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Họ sẽ dán lên các gốc cây, ở các nơi như cổng, cửa, bàn thờ tổ tiên, cột cái trong nhà hay dụng cụ lao động… để mang lại may mắn, xua đuổi tà ma.
Vào thời khắc giao thừa, mỗi gia đình người Sán Dìu sẽ làm mâm cỗ để cúng tổ tiên. Mâm cỗ cúng của người Sán Dìu rất đơn giản, chỉ có con gà hoặc một miếng thịt lợn luộc, một chai rượu trắng và không thể thiếu được 2 món là bánh con và chè.
Hát Soọng cô là món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết của người Sán Dìu. Làn điệu Sọong cô khi cất lên luôn mang theo hơi thở của mùa Xuân, tình yêu quê hương, đất nước, con người, cuộc sống, yêu lao động…
Người Sán Dìu có tính cố kết cộng đồng rất cao, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, họ lại cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng, bên mâm cơm để chúc nhau những lời tốt đẹp nhất, mong cho năm mới sức khỏe, vạn sự hanh thông.
Chùm ảnh của Kim Ly-Khánh Linh