Sáng 21/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Tham vấn, đề xuất giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Chỉ thị số 42, ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị và Kết luận số 93 ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư”.
Quang cảnh hội thảo khoa học. Ảnh: Nguyễn Lượng
Là cơ quan đại diện của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tỉnh, những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chính sách góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội là cầu nối tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức, tích cực tham gia các hoạt động tư vấn phản biện, giám sát, giám định xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh, sự gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Từ năm 2006 đến nay, Liên hiệp hội đã thực hiện tư vấn, phản biện, tham gia, đóng góp ý kiến vào 83 nội dung đề tài, đề án; tổ chức 9 kỳ Hội thi sáng tạo kỹ thuật với 813 giải pháp của 1.618 tác giả; có 2 công trình được tuyển chọn, công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam; 4 trí thức tiêu biểu được Liên hiệp Hội Việt Nam tôn vinh; 20 nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 3 Thầy thuốc nhân dân, 55 Thầy thuốc ưu tú.
Năm 2023, tôn vinh 20 trí thức tiêu biểu thuộc các ngành: Y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, xây dựng, tư pháp, nông nghiệp… Phối hợp với các sở, ngành tổ chức 15 lớp tập huấn về xử lý rác thải, phế thải nông nghiệp để bảo vệ môi trường; 15 lớp tập huấn về Luật đất đai; 21 lớp tập huấn tuyên truyền về ma túy, mại dâm và phòng chống HIV/AIDS; 33 lớp tập huấn tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về Luật Giao thông đường bộ; 11 lớp tập huấn về cải cách hành chính; 3 lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tư vấn phản biện và giám định xã hội...
Đã thực hiện 6 đề tài khoa học cấp tỉnh, 1 đề tài cấp Trung ương, 1 dự án "Hỗ trợ nhân rộng mô hình xử lý bụi gỗ, bụi sơn tại các làng nghề mộc trên địa bàn tỉnh" đang triển khai tại 12 làng nghề thuộc 5 xã trên địa bàn 3 huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc. Ngoài ra, phối hợp triển khai một số chương trình, dự án phi Chính phủ NGO, GRET; Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS…
Tham luận tại hội thảo, đã có nhiều tham vấn, giải pháp mang tính đột phá để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tỉnh, trong đó tập trung một số nội dung về lĩnh vực giáo dục, đề xuất Chính phủ xây dựng bảng lương giáo viên riêng; UBND tỉnh điều chỉnh định mức giáo viên đảm bảo đủ số lượng giáo viên đứng lớp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Về thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ tri thức về công tác giám sát, phản biện xã hội; hoàn thiện dự thảo văn bản sửa đổi Quyết định số 906 của UBND tỉnh về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội; sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu của tỉnh về đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học ngoài tỉnh và trí thức ở nước ngoài, hệ thống hóa theo từng lĩnh vực chuyện ngành… để mời về làm thành viên của hội đồng tư vấn phản biện.
Về giải pháp thu hút tập hợp đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài, cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để kiều bào có thể tham gia triển khai các dự án khoa học công nghệ; đảm bảo tốt điều kiện về môi trường văn hóa, môi trường pháp lý, đầu tư, điều kiện làm việc… cho tri thức Việt Nam ở nước ngoài đầu tư sản xuất, kinh doanh hoặc đóng góp cho quê hương…
Trên cơ sở tham vấn, giải pháp của các đại biểu, Liên hiệp hội tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật và giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ; tăng cường nhân rộng, ứng dụng các mô hình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào thực tiễn, phấn đấu xây dựng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trở thành tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh.
Hoàng Hà