Vùng đất Ngọc Thanh, nay là xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên nằm cuối dãy núi Tam Đảo. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Ngọc Thanh là ngã ba của con đường kháng chiến bí mật từ Hà Nội lên Việt Bắc qua đèo Nhe, đèo Khế. Nơi đây được Trung ương chọn làm chiến khu I trong Liên khu Việt Bắc, cùng dân tộc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trải qua thời gian, diện mạo di tích chiến khu Ngọc Thanh thay đổi nhiều. Song mỗi lần trở về với mảnh đất Ngọc Thanh anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, được ngắm nhìn mây trời, núi non đều khiến mỗi chúng ta trào dâng cảm xúc tự hào. Năm 1995, Bộ VH-TT&DL ra quyết định công nhận chiến khu Ngọc Thanh là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Di tích lịch sử cách mạng chiến khu Ngọc Thanh có không gian phân bổ trải dài trên địa phận hành chính xã Ngọc Thanh. Trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội, dân công, cán bộ từ mọi miền qua đèo Nhe men theo dãy núi mà lên với ATK trên Định Hóa, Sơn Dương, Chiêm Hóa… Nay đèo Nhe nằm trên tỉnh lộ 301 với phía Tây là xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên và phía Đông là xã Thành Công, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Núi Thằn Lằn là dãy núi cao duy nhất nằm ở phía Tây Nam chiến khu, thuộc ranh giới giữa xã Ngọc Thanh, xã Cao Minh và phường Xuân Hòa. Ở đây có 2 trung đội Âu-Phi đóng giữ cùng các đại đội bộ binh nằm trong tuyến phòng thủ Vĩnh Yên - Phúc Yên của quân Pháp. Đêm 28/12/1950, từ đại bản doanh chiến khu Ngọc Thanh, các đơn vị chủ lực phối hợp cùng các lực lượng tấn công đồn Thằn Lằn và giành được chiến thắng vang dội.
Đình Thanh Lộc cách hồ Đại Lải 8 km theo đường Hoàng Hoa Thám hướng đi đèo Nhe. Nhờ nằm tại khu vực rừng già, trước cách mạng tháng Tám cho đến kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Thanh Lộc là một cơ sở quan trọng của chiến khu Ngọc Thanh; là nơi họp bàn, mít tinh, tuyên thệ thành lập chính quyền của vùng Thanh Lộc. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đình tiếp tục là trạm gác tiền tiêu của chiến khu.
Ngày nay, dù qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo nhưng khung cảnh xung quanh đình vẫn giữ được uy nghiêm, u tịch, quanh năm xanh mát bởi bóng những cây cổ thụ.
Diện mạo thôn Thanh Lộc ngày càng trù phú, giàu đẹp.
Đường về thôn Lập Đinh, nơi xưa kia Trạm Quân y dược đặt tại nhà cụ Lý Thị Hai (dân tộc Sán Dìu), để điều trị sơ cứu kịp thời cho thương, bệnh binh trước khi chuyển lên tuyến trên.
Nhà cụ Lý Thị Hai cũng đã được con cháu xây dựng mới, khang trang.
Mặc dù những dấu tích của các di tích thành phần hầu như không còn, song với đặc thù là địa phương có nhiều đồng bào Sán Dìu sinh sống, đến với Ngọc Thanh hôm nay, không chỉ là hành trình về với cội nguồn cách mạng, mà còn là dịp được được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, trải nghiệm văn hóa đặc trưng của người dân địa phương.
Chùm ảnh của Hà Phương