Chưa xa, mới từ năm 1997 về trước, ngoài điểm nhấn khu nghỉ mát trên đỉnh núi, trong tiềm thức mọi người, cả dải đất dài dưới chân dãy núi Tam Đảo (từ huyện Lập Thạch tới huyện Tam Đảo) chỉ là một miền sơn cước lạc hậu, nghèo nàn, trĩu nặng những lo toan…
Vậy mà chưa tròn 3 thập kỷ, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt phát huy lòng tự tôn, khát vọng làm giàu và nguồn lực nội sinh của mỗi công dân, dải đất này đã bước tiến nhanh trở thành miền quê là địa chỉ hấp dẫn, tin cậy với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước; trở thành điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh kết nối đầy sức quyến rũ với du khách gần xa.
Bao đời nay, vẫn với địa giới nằm khuất lấp dưới chân núi Tam Đảo; vẫn các tên làng, tên bản truyền đời nhiều thế hệ, gắn với các tộc người như Cao Lan, Sán Dìu, Dao Đỏ, Mèo, Kinh… song kể từ sau cách mạng tháng 8/1945, đặc biệt từ sau ngày tái lập tỉnh Vĩnh Phúc (1997) đến nay, dải đất này (từ Ngọc Mỹ, Lập Thạch đến Bồ Lý, Tam Đảo) từng ngày, từng tháng đổi mới và phát triển. Chưa cần khám phá nội lực của nó, chỉ thấu thị vẻ đẹp ngoại diên như chốn bồng lai của nơi đây đã mang tới bao đề tài phong phú, hấp dẫn cần cho các nhà báo, nhà văn, nhà khoa học khám phá...
Khác với thuở lội suối, trèo đèo, đi phà mỗi khi từ Tam Đảo muốn sang Lập Thạch thuở những năm 1997 về trước, đường tới Tam Đảo sang Lập Thạch hôm nay thênh thang, thuận lợi: Qua sông Phó Đáy có cầu lớn hiện đại. Đường giao thông liên huyện trải thảm áp phan đến mọi xã, phường...
Và chính sự nguyên vẹn của môi trường sinh thái, của bản sắc dân tộc, Tam Đảo đã trở thành địa chỉ hấp dẫn, thu hút khách du lịch quốc tế, trong đó có cả các thí sinh dự thi Hoa hậu du lịch thế giới - 2022.
Điều đó càng được khẳng định, khi Tam Đảo vinh dự nhận được giải thưởng "Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022" của World Travel Awards - Một tổ chức uy tín hàng đầu thế giới về du lịch.
Từ sự giao thoa văn hóa đó, từ khát vọng làm giàu, người dân nơi đây đã nhanh chóng hội nhập cuộc cách mạng công nghệ 4.0, để xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất, nâng tầm thương hiệu những sản phẩm nông nghiệp truyền thống, từ đó mang lại thu nhập cao. (Trong ảnh: Người dân xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo thu hoạch đặc sản na dai).
Tại Minh Quang - một xã miền núi có hơn 61% dân số là người đồng bào dân tộc Sán Dìu, nay đã xuất hiện Tổ hợp chăn nuôi, chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo, có quy mô đầu tư 3.000 tỷ đồng do Vilico (Công ty thành viên của Vinamilk) hợp tác cùng Tập đoàn đa ngành Sojitz (Nhật Bản) chính thức khởi công trong tháng 3/2023.
Câu chuyện chọc lỗ, tra hạt ở các vùng trung du, miền núi nay đã trở thành huyền thoại. Thay vào đó là phương thức sản xuất nông nghiệp bằng cơ giới hiện đại, cho năng suất cao và tối giản sức lực cho người lao động đã trở thành bức tranh tổng quát ở Tam Đảo mỗi khi vào mùa vụ sản xuất nông nghiệp.
Xác định giáo dục là quốc sách, hiền tài là nguyên khí quốc gia, mặc dù còn không ít khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân huyện Tam Đảo vẫn nỗ lực tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các cơ sở giáo dục ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em nhân dân trong huyện (Trong ảnh: Trường mầm non xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại).
Dưới chân Tam Đảo non xanh. Hữu tình, tươi đẹp hơn tranh họa đồ...
Chùm ảnh của Khánh Linh