Năm nay, Tết Thanh minh vào ngày 4/4 (tức mùng 7 tháng 3 âm lịch), không khí tảo mộ ở các địa phương khá nhộn nhịp. Tết Thanh minh có ý nghĩa thiêng liêng trong tiềm thức của người Việt. Đây là dịp để con cháu hướng về cội nguồn thông qua việc tảo mộ, dâng hương làm lễ cúng ông bà, tổ tiên. Dù sinh sống, lập nghiệp nơi xa, vào ngày này, nhiều gia đình vẫn cố gắng sắp xếp công việc để về quê tảo mộ và quây quần với nhau bên mâm cơm gia đình.
Sáng sớm nay, bà Nguyễn Thị Loan, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên dậy từ sớm chuẩn bị đồ lễ cho chồng con về quê nội tảo mộ, sau đó bà cũng tranh thủ về quê ngoại thắp hương. Trước đó, vào ngày 3/4 (tức mùng 6 tháng 3 âm lịch), gia đình bà Loan đã chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng mang về quê dịp Tết Thanh minh.

Sáng nay, Nghĩa trang Km4, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên tấp nập phương tiện đưa các gia đình lên làm lễ.
Bà Nguyễn Thị Loan cho biết: “Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết Thanh minh, chồng con tôi đều về quê (Nam Định) từ sớm. Tại mộ phần của ông bà, tổ tiên, các anh chị em trong họ tập trung quét dọn, vệ sinh sạch sẽ, sau đó bày biện hoa quả, lễ ngọt, mặn để cúng. Sau khi tảo mộ, mọi người trở về nhà thờ họ nấu cơm cúng tổ tiên rồi cùng nhau ăn uống sum vầy rất vui vẻ, đầm ấm”.
Cũng theo bà Loan, trước đây, khi vợ chồng bà còn trẻ thì chồng bà lái xe đưa gia đình về, nay có tuổi thì con trai lớn của ông bà thay bố lái xe đưa mọi người về quê. Việc làm này gia đình bà duy trì hàng chục năm nay, qua nhiều thế hệ. Ý thức được ý nghĩa ấy, dù bận rộn đến đâu, các con bà cũng luôn sắp xếp công việc để đưa bố mẹ về quê đúng ngày Tết Thanh minh.

Người vệ sinh mộ phần, người làm lễ ông bà, tổ tiên.
Theo quan niệm dân gian, tiết Thanh minh đến sau ngày lập Xuân 45 ngày, thanh có nghĩa là trong lành, sạch sẽ; minh có nghĩa là tươi sáng. Ở miền Bắc, đây là thời điểm đã hết mưa phùn, nồm ẩm, thời tiết trở nên trong sáng, dễ chịu. Tết Thanh minh là khoảng thời gian thời tiết ôn hòa , sáng sủa, không khí mát mẻ dễ chịu, vạn vật sinh sôi, tươi tốt. Năm nay, tiết Thanh Minh bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 7/3 âm lịch đến ngày 22/3 âm lịch.

Con cháu thành tâm hướng về ông bà tổ tiên ngày Tết Thanh minh.
Tại Nghĩa trang Km4, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên cho thấy, thời tiết sáng nay đẹp, nắng nhẹ với không khí se lạnh. Ngay từ sáng sớm, nhiều gia đình đã có mặt trong khu vực để tảo mộ, dọn dẹp vệ sinh.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Tôi ở thành phố Bắc Ninh về thắp hương cho ông bà tổ tiên nhân dịp Tết Thanh minh. Ngày còn nhỏ, gia đình tôi ở phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên. Mặc dù bố mẹ tôi đã mất, nhưng ở quê vẫn còn anh em họ hàng nên mỗi năm tôi tranh thủ về Vĩnh Yên 2-3 lần, trong đó có ngày Tết Thanh minh. Do hôm nay không phải ngày nghỉ nên chỉ có 2 vợ chồng tôi về quê, còn mọi năm các con cháu về rất đông. Dù xa xôi, nhưng được về thắp cho ông bà tổ tiên nén hương chúng tôi thấy yên tâm, ấm áp trong lòng".
Ngoài những người trung niên, cao tuổi, ở Nghĩa trang Km4 còn có rất nhiều đôi vợ chồng trẻ, thanh niên chưa lập gia đình cũng theo bố mẹ, ông bà đi tảo mộ. Gia đình nào cũng sửa soạn lễ chu đáo, thành tâm dâng hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên.
Trong ngày Tết Thanh minh, ngoài tục tảo mộ, việc cúng lễ gia tiên cũng được các gia đình quan tâm. Mâm cỗ cúng được dâng lên bàn thờ gia tiên sau khi thanh minh tại mộ. Tùy theo phong tục từng địa phương, mâm cúng chuẩn bị sẽ khác nhau, nhưng thường có các món mặn cùng hương, hoa quả, trầu cau...
Với ý nghĩa thiêng liêng, tảo mộ ngày Tết Thanh minh là nét văn hóa, phong tục truyền thống của người Việt. Ngày nay, cuộc sống hiện đại, những nghi thức trong Tết Thanh minh đã có sự thay đổi ít nhiều cho phù hợp, tiết kiệm, nhanh gọn.
Dẫu vậy, ý nghĩa nhân văn thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên vẫn luôn là nét đẹp văn hóa trong mỗi gia đình, góp phần tạo nên nếp nhà, gia phong, gìn giữ phong tục truyền thống của cha ông trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.
Bài, ảnh: Hà Trần