Nếu ví các khu công nghiệp là “quả đấm thép” trong thu ngân sách, thì cụm công nghiệp (CCN) chính là hạt nhân tạo nguồn lực kinh tế cho địa phương. Theo quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 32 CCN đi vào hoạt động. Đến nay, bên cạnh 16 CCN đã được thành lập, giao chủ đầu tư có 30 CCN được đề xuất phát triển mới nhằm thực hiện định hướng đến năm 2050 sẽ tích hợp 50 CCN vào quy hoạch chung của tỉnh. Với số lượng CCN lớn, nếu được vận hành, khai thác hiệu quả sẽ tạo ra sự đột phá mạnh mẽ trong thu hút nguồn lực cho địa phương.
Kỳ I: Cần gỡ vướng CCN đáp ứng các tiêu chí
Nhìn từ thực trạng xây dựng hạ tầng
Những năm qua, mặc dù tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển CCN; đầu tư hạ tầng kỹ thuật; ban hành các cơ chế, chính sách phát triển CCN; tăng cường thu hút doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… nhưng kết quả chưa đạt kỳ vọng, thậm chí, một số CCN còn có tốc độ phát triển như “rùa bò”.

Cổng làng nghề mộc truyền thống Bích Chu - nơi dẫn vào CCN An Tường, huyện Vĩnh Tường
Về thôn Bích Chu, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường những ngày này, chúng tôi ghi nhận không khí sản xuất tấp nập từ nhà ra ngõ. Mặc dù làm nghề mộc, nhưng hầu hết các hộ gia đình đều sở hữu những căn nhà ống nên rất chật chội. Nhằm tận dụng tối đa khoảng không gian trống, nhiều hộ phải đưa đồ nghề ra sát cửa, thậm chí ra ngoài cổng mới có chỗ để làm.

Đường làng nhỏ hẹp, nhưng phải "gánh gồng" nhiều vật dụng làm nghề của người dân
Đường làng thôn Bích Chu vốn chật hẹp, nay phải gồng mình nhồi nhét thêm những sản phẩm mộc để ngổn ngang. Những chiếc bàn, chiếc ghế và nhiều tấm ván được xẻ sẵn, xếp sát tường chạy dài lối đi. Các phương tiện đi trong ngõ phải luồn lách khéo léo mới tránh được các vật cản trên đường...
Đưa chúng tôi đi thăm các gia đình làm nghề mộc ở thôn Bích Chu, đồng chí cán bộ thôn liên tục kể khổ về cuộc sống của người dân địa phương khi hằng ngày phải chịu đựng sự bức bí, ô nhiễm. Những ngôi nhà ống san sát, diện tích vỏn vẹn vài chục m2 vừa để ở, vừa để làm nghề. Trong các ngôi nhà, bụi gỗ bay mù mịt. Ngày cũng như đêm, ai cũng thường trực chiếc khẩu trang trên mặt. Ở các gia đình, người già, trẻ em phần lớn được “nhốt” trong phòng khách hoặc phòng ngủ nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc với khói bụi. Còn gian nhà phía ngoài được các hộ kê máy móc, thiết bị để làm nghề.
Khi trò chuyện với phóng viên, nhiều người bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe con em mình khi hằng ngày phải tiếp xúc với môi trường bụi bặm, độc hại. Hiện nay, thôn Bích Chu có gần 1.000 hộ, đa phần đều làm nghề mộc. Trải qua quá trình phát triển, áp lực dân số, môi trường ở thôn ngày càng gia tăng do tình trạng “đất chật, người đông”.

CCN An Tường chưa được đầu tư hạ tầng vẫn là đất ruộng để hoang
Trong khi cuộc sống của người dân ngày càng ngột ngạt; thiếu mặt bằng để giãn dân cũng như phát triển sản xuất thì suốt gần 20 năm qua, CCN An Tường vẫn “đắp chiếu”. Mọi cố gắng của chính quyền địa phương mới chỉ dừng lại ở bước quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Từ Dự án “Làng nghề mộc” (năm 2005) đến “CCN mộc An Tường” (năm 2013) và cho đến nay dự án chưa được đầu tư hạ tầng để đi vào hoạt động.
Nguyên nhân chính là do CCN An Tường chưa có chủ đầu tư dẫn đến chưa có nguồn vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Mặt khác, người dân chưa có sự thống nhất về phương án bồi thường, GPMB.
Theo báo cáo của ngành Công thương, tính đến hết tháng 12/2022, toàn tỉnh đã thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng 16/32 CCN với diện tích hơn 423 ha, đạt 61,5% tổng diện tích quy hoạch CCN trên địa tỉnh.
Trong số 16 CCN mới có 6 CCN đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 3 CCN đang thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật (trong đó, có CCN Đồng Văn đã quá thời hạn hoàn thành theo quyết định thành lập) và 7 CCN đang thực hiện các thủ tục về chuẩn bị đầu tư.
Số CCN đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư hầu hết là các CCN mới thành lập, đang trong quá trình hoàn thành quy hoạch 1/500, lập dự án đầu tư xây dựng, chưa đủ các điều kiện về đất đai để thực hiện công tác bồi thường, GPMB. Hoặc có khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB; thiếu cơ chế về vốn để thực hiện đầu tư như CCN Thổ Tang - Lũng Hòa, CCN An Tường…
Theo đánh giá của ngành Công thương, tiến độ thực hiện xây dựng hạ tầng ở các CCN chậm, hầu hết phải điều chỉnh, gia hạn tiến độ.
“ Khó sức hút” doanh nghiệp thứ cấp?
Theo báo cáo của ngành Công thương, trong số 16 CCN đã thành lập, giao chủ đầu tư có 12 CCN thu hút được 642 cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 7.820 lao động.
Những con số trên cho thấy sự khiêm tốn trong thu hút đầu tư, chưa xứng với tiềm năng phát triển của các CCN. Tại các CCN, tỷ lệ lấp đầy thấp khiến công tác giải quyết việc làm gặp khó khăn, không tạo được nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đơn cử như CCN Lý Nhân, dù thành lập đã lâu nhưng mới có 28 cơ sở, hộ kinh doanh hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 38%; CCN Đồng Văn thu hút được 13 cơ sở, doanh nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đạt 10%...

CCN làng nghề Minh Phương, huyện Yên Lạc lác đác doanh nghiệp vào đầu tư
Có một nghịch lý là, dù muốn vào đầu tư, nhưng nhiều doanh nghiệp thứ cấp không xin được giấy phép xây dựng do vướng cơ chế, thủ tục cấp phép. Điển hình như CCN làng nghề Minh Phương, huyện Yên Lạc, hiện nay đã cơ bản hoàn thành hạ tầng (ước đạt 75%), nhưng lác đác chỉ có một vài doanh nghiệp thứ cấp xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động. Còn lại phần lớn diện tích đất trong CCN bị bỏ trống, chưa có doanh nghiệp vào đầu tư.
Theo cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Lạc, thực tế, các lô đất ở CCN Minh Phương đã được các doanh nghiệp thứ cấp sang nhượng lại cho nhau, hoặc đã cho thuê, nhưng họ chưa xây dựng nhà xưởng sản xuất do chưa có giấy phép xây dựng.
Theo quy định, doanh nghiệp thứ cấp phải được chủ đầu tư giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đủ điều kiện để cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. Đây cũng là một trong những bất cập tại các CCN chưa được các cơ quan chức năng tháo gỡ, nên ảnh hưởng đến tiến độ thu hút đầu tư.
Từ việc chậm triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp thứ cấp dẫn đến thực trạng CCN “rùa bò” như hiện nay. Điều này khiến các địa phương không tạo lập được nguồn thu ngân sách mà còn phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng, đầu tư và khiếu kiện đất đai phức tạp.
Hà Trần