Hiện nay, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung và DN có vốn đấu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng được chú trọng thực hiện, trên cơ sở áp dụng và đổi mới, nâng cao việc quản lý năng lượng, trình độ máy móc, thiết bị công nghệ vào quá trình sản xuất. Qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD).
Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô và các xe có động cơ khác thuộc nhóm có mức tiêu thụ năng lượng cao trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Vĩnh Phúc được cấp điện từ đường dây 220kV của hệ thống điện miền Bắc và qua các trạm 220kV Vĩnh Yên, Vĩnh Tường và trạm 220kV Việt Trì (Phú Thọ). Trên địa bàn tỉnh đang vận hành 2 trạm 220kV (tổng công suất các trạm 750 MVA) và 9 trạm 110kV, gồm 17 MBA có tổng công suất đặt là 949 MVA.
Nguồn điện 220kV, 110kV hiện tại của tỉnh đáp ứng đủ và có độ dự phòng cao cho nhu cầu phụ tải của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc thu hút đầu tư, phát triển các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của tỉnh.
Thời gian qua, các cấp chính quyền trong tỉnh luôn khuyến khích cộng đồng DN, nhất là các DN FDI thực hiện đồng bộ giải pháp về đổi mới công nghệ, thực hành tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong quá trình SXKD nhằm hướng tới mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt đối với DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
TKNL đối với các DN FDI được thể hiện thông qua việc thường xuyên thay thế, đổi mới dây chuyền thiết bị, máy móc sản xuất, bao gồm hệ thống khí nén, hệ thống hơi, hệ thống bơm và quạt, hệ thống điều hòa phòng sạch...
Tiềm năng TKNL trong các hệ thống này luôn biến đổi theo thời gian, theo phương thức quản lý của mỗi DN. Đặc biệt là đối với các DN hoạt động trong nhóm ngành chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại thì những DN FDI sản xuất ô tô và các xe có động cơ khác là những DN có mức tiêu thụ năng lượng cao như Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota, Công ty Toyota Boshoku Việt Nam…
Trong 2 năm (2021- 2022), toàn tỉnh có 141 DN sử dụng năng lượng trọng điểm và gần 250 DN cận trọng điểm. Việc tiêu thụ năng lượng điện và nhiên liệu trong quá trình phát triển công nghiệp cao, đặc biệt là nhóm các DN sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gang thép và các công nghệ gia công kim loại.
Công ty Honda Việt Nam là một trong những nhà sản xuất tiên phong trong việc đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh. DN thường xuyên áp dụng công nghệ hiện đại cho quá trình sản xuất sản phẩm, đặc biệt là việc chú trọng TKNL trong quá trình SXKD như phần mái của các nhà xưởng được thiết kế có thể đón gió tự nhiên, tạo nên môi trường làm việc thoáng mát, giảm đáng kể độ nóng thường gặp tại các nhà máy sản xuất.
Qua đó, tận dụng gió, ánh sáng để tiết kiệm các chi phí tiêu thụ điện, tái sử dụng nước mưa để dùng cho các thiết bị nội bộ…
Trong khu vực các phân xưởng sản xuất như lắp ráp cụm động cơ, lắp ráp xe hoàn thành, gia công phụ tùng động cơ, gia công ép nhựa, sơn và hàn, hệ thống máy móc... cảm biến, hệ thống điện, công tơ mét được kiểm tra thường xuyên, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO và tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001.
Công ty Honda Việt Nam hiện có 3 nhà máy sản xuất xe máy với công suất 1,5 triệu xe máy/năm và 1 nhà máy sản xuất ô tô công suất 35 nghìn ô tô/năm; 1 Trung tâm đào tạo lái xe an toàn bậc nhất Việt Nam, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.
Với những tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư của tỉnh, đặc biệt đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, 8 tháng năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 17 dự án FDI mới và 28 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 445 triệu USD, đạt 171% so với cùng kỳ năm 2022 và 127% kế hoạch năm 2023; thu hút 9 dự án trong nước và 4 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trên 5.681 tỷ đồng, đạt 260% so với cùng kỳ năm 2022 và 189% so với kế hoạch năm 2023.
Trong đó, có 467 dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN, với 106 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đầu tư 32.254 tỷ đồng và 361 dự án FDI có tổng vốn đầu tư 6.251 triệu USD.
Để việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các DN FDI trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy, UBND tỉnh đã ban hành Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Giao Sở Công thương là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về thực hiện Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020 - 2030.
Chủ trì, thực hiện xây dựng cơ chế, chính sách về thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với DN nhỏ và vừa; cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy hợp tác công tư trong thực hiện các giải pháp TKNL và tích hợp năng lượng tái tạo, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm thúc đẩy cộng đồng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường bền vững.
Công ty Điện lực Vĩnh Phúc căn cứ các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, thường xuyên tổ chức hướng dẫn, phát động tiết kiệm điện, thực hiện giảm tổn thất điện năng theo quy định của ngành và kế hoạch trong từng giai đoạn; phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương tăng cường kiểm tra sử dụng tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh.
Các DN, tổ chức sản xuất công nghiệp có liên quan tích cực tham gia các hoạt động sửa dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030 nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế sự biến đổi của khí hậu và đảm bảo phát triển bền vững.
Ngọc Lan