Bộ GDĐT mới ban hành Thông báo 1489 kết luận của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp về Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã thu hút sự quan tâm, đồng tình của dự luận bởi đây là phương án thi tốt nghiệp THPT đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, giảm tải áp lực và tạo nhiều thuận lợi cho học sinh.
Giáo viên Trường THPT Xuân Hòa, thành phố Vĩnh Yên giảng dạy môn Ngữ văn theo chương trình GDPT 2018
Đáp ứng chương trình GDPT 2018
Dự thảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có nhiều điểm mới như: Nội dung thi nằm trong chương trình GDPT 2018, chủ yếu là chương trình giáo dục cấp THPT; cùng với 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc thứ 4; thay bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH bằng việc học sinh được chọn 2/4 môn học lựa chọn ở bậc THPT (các môn tự chọn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ); tăng cường ứng dụng CNTT, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm, tiến tới triển khai trong toàn quốc…
Nội dung và những điểm mới của dự thảo đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đa số các ý kiến đều đồng tình với quan điểm của Bộ GDĐT: Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được xây dựng trên các nguyên tắc kế thừa, phát huy kết quả tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015-2019 và kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2020 đến nay; chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu, kinh nghiệm tốt của quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.
Bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa đổi mới các kỳ thi quốc gia với kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học; phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục theo chương trình GDPT 2018; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục thực hiện hiệu quả lộ trình phân cấp trách nhiệm quản lý chỉ đạo tổ chức thi tốt nghiệp THPT…
Thầy giáo Trần Đình Công, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn, huyện Lập Thạch cho biết: “Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đúng với định hướng đổi mới giáo dục, đáp ứng dạy và học chương trình GDPT 2018, giảm áp lực và tạo thuận lợi cho định hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh, bởi hiện tại các em thi bài tổ hợp trong khi không nhiều em sử dụng cả 3 môn trong bài thi tổ hợp để xét tuyển đại học, cao đẳng nên các em sẽ phải ôn tập nhiều môn.
Lần đầu tiên, 3 môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thấy sự chú trọng giáo dục toàn diện của ngành, đáp ứng sự phát triển của xã hội”.
Cô giáo Phạm Thị Kim Dung có 15 năm giảng dạy môn Lịch sử tại Trường THPT Phạm Công Bình, huyện Yên Lạc cho biết: “Tôi đồng ý với dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GDĐT. Đặc biệt, việc đưa Lịch sử vào môn thi bắt buộc rất phù hợp với chủ trương chú trọng giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của dân tộc, góp phần xây dựng con người Việt Nam hiện đại vừa kế thừa bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp nhận những giá trị của thời đại”.
Em Nguyễn Tự Kỳ Phong, học sinh lớp 11, Trường THPT Hai Bà Trưng, thành phố Phúc Yên chia sẻ quan điểm: “Em thấy dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đúng theo phương châm "học gì thi đấy". Việc đưa môn Tin học vào môn thi tự chọn phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số và xu hướng hội nhập quốc tế; đồng thời, giúp học sinh thuận lợi khi xét tuyển đại học, cao đẳng, học chuyên ngành CNTT”.
Định hướng sớm cho giáo viên và học sinh
Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 bước đầu định hướng cho cán bộ, giáo viên và học sinh để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác dạy và học chương trình GDPT 2018 nhằm đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.
Thầy giáo Phạm Minh Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Lạc cho biết: “Nhà trường đã triển khai chương trình GDPT 2018 ở khối lớp 10 và khối lớp 11. Đội ngũ giáo viên được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của ngành, tự bồi dưỡng, nghiên cứu sách giáo khoa mới và phát huy nhiệt huyết, nâng cao chất lượng giảng dạy để đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của chương trình.
Công tác kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo đúng tinh thần đổi mới của Bộ GDĐT. Nhà trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin của Bộ GDĐT về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để chủ động trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng tham gia và đạt kết quả tốt tại kỳ thi”.
Tại Trường THPT Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, giáo viên đã họp để trao đổi về công tác dạy và học các môn thi tốt nghiệp THPT. Giáo viên môn Tiếng Anh dự kiến sẽ thường xuyên kiểm tra, luyện các kỹ năng cho học sinh, hướng dẫn học sinh làm đề thi trắc nghiệm.
Giáo viên môn Ngữ văn định hướng đa dạng hóa các hoạt động giáo dục để khơi gợi cảm xúc, cảm hứng học tập của học sinh, chú trọng hướng dẫn, rèn luyện cho học sinh phương pháp, kỹ năng tiếp cận tác phẩm, thể loại văn học…
Giáo viên môn Lịch sử nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo sự hấp dẫn đối với học sinh và thúc đẩy sự tích cực, chủ động của các em.
Ban Tư vấn hướng nghiệp của trường cũng hỗ trợ học sinh lựa chọn môn thi, ngành thi phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp của các em.
Về phía học sinh, các em cũng tích cực học tập để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp THPT theo định hướng đổi mới. Em Trần Thị Hồng Nga, lớp 11A4, Trường THPT Trần Nguyên Hãn chia sẻ: “Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, em sẽ ôn luyện 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn là Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. Em sẽ tập trung học để hoàn thành yêu cầu của các môn, đầu tư hơn cho 6 môn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, trong đó, tăng cường ôn luyện đề thi, kỹ năng làm bài trắc nghiệm”.
Bài, ảnh: Minh Hường