Nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai hoạt động GDNN trên môi trường số, đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và đào tạo. Qua đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng, tay nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý, đào tạo, góp phần nâng cao kỹ năng, tay nghề cho sinh viên. Ảnh: Kim Ly
Xác định CĐS là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, những năm qua, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Xuyên tích cực tham mưu các cấp, ngành quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ CĐS. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trung tâm thường xuyên được cử tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về CĐS, ứng dụng CNTT trong dạy và học.
Thầy giáo Nguyễn Huy Hưng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Xuyên cho biết: Trong quá trình giảng dạy, cán bộ, giáo viên của trung tâm thường xuyên xây dựng giáo án điện tử tích hợp âm thanh, hình ảnh, đồ họa sinh động, rõ nét; ứng dụng các nền tảng dạy học trực tuyến, hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12 Online… giúp các em học sinh hình thành năng lực tự học, tích lũy kiến thức trên các nguồn số hóa dễ dàng, thuận tiện hơn, từ đó rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực hành. Bên cạnh đó, trung tâm đẩy mạnh liên kết, trao đổi với các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh về công tác đào tạo nghề, liên tục cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu CĐS toàn diện.
Nhờ đó, trong những năm gần đây, trung tâm có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo với mức lương bình quân 8 triệu đồng/tháng; 30% học sinh tiếp tục theo học các trường đại học, cao đẳng.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động GDNN trên môi trường số, Trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc đã tham mưu các cấp, ngành quan tâm đầu tư hạ tầng CNTT cũng như các phần mềm quản lý, quản trị đảm bảo phục vụ CĐS… Đồng thời thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, phương pháp đào tạo số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, phát triển đội ngũ nhà giáo chuyên về CNTT, an ninh mạng và phát triển các ứng dụng số trong nhà trường.
Hoạt động giảng dạy được số hóa từ giáo án, giáo trình đào tạo cho đến công tác vào điểm, quản lý điểm, đưa vào giảng dạy các bài giảng mô phỏng thực tế ảo AR/VR và tổ chức các lớp học tích hợp trực tuyến - thực hành.
Thạc sĩ Dương Thị Thanh Loan, Trưởng Khoa CNTT, Trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc cho biết: Để đáp ứng yêu cầu CĐS, các cán bộ, giáo viên trong khoa luôn nêu cao tinh thần chủ động học hỏi các kiến thức, công nghệ mới để kịp thời cập nhật nội dung chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy. Từ năm học 2022-2023 đến nay, khoa đã bổ sung môn học “Lập trình trên thiết bị di động” vào chương trình đào tạo, đồng thời cập nhật những phần mềm mới như PHP, Cap-cut vào các bài giảng về sử dụng phần mềm chỉnh sửa video, thiết kế web…
Vừa qua, khoa đã tham mưu nhà trường cử cán bộ, giáo viên tham gia các khóa học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa vào giảng dạy môn “Trí tuệ nhân tạo”, “Lập trình trí tuệ nhân tạo” trong năm học 2025-2026.
Thực hiện Quyết định số 2222 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình CĐS trong GDNN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, 100% cán bộ, nhà giáo của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT theo quy định.
Các cơ sở GDNN từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại; bước đầu hình thành nền tảng số và kho giáo trình, tài liệu dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học; thực hiện kết nối với nền tảng học liệu số toàn ngành GDNN theo nguyên tắc kết hợp học liệu mở với xây dựng thị trường trao đổi học liệu.
Bên cạnh đó, các cơ sở chú trọng rà soát, cập nhật nội dung chương trình đào tạo tích hợp năng lực số. Giáo trình đào tạo, tài liệu của các ngành, nghề được công bố công khai trên thư viện số của nhà trường; ngân hàng câu hỏi của các môn học, mô-đun được xây dựng và số hóa giúp học sinh, sinh viên tự học, ôn luyện cũng như thi trực tuyến.
Các cơ sở GDNN chú trọng rà soát, phát triển các chương trình đào tạo từ các nước tiên tiến, thường xuyên cập nhật công nghệ, kỹ năng mới để kịp thời bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng mới chuẩn kiến thức, năng lực thực hiện cho các ngành nghề đáp ứng yêu cầu của CĐS; lồng ghép vào chương trình đào tạo, các môn học, mô-đun liên quan tới kỹ năng số, CNTT nhằm cung cấp các kỹ năng số cơ bản, nâng cao cho người học; phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề chuyên về CNTT, công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thúc đẩy CĐS trong GDNN góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN. Nhờ đó, chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 81%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 38,5%.
Tiếp tục đẩy mạnh CĐS trong GDNN, thời gian tới, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến về CĐS; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN và đổi mới phương pháp dạy - học; quan tâm đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu của CĐS…
Phương Anh