Là một trong những địa phương trên cả nước có dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua, Vĩnh Phúc đã và đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung cho việc triển khai dự án mang tầm trọng điểm quốc gia sớm hoàn thành theo kế hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương có tuyến đường sắt đi qua.
Vĩnh Phúc đã và đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung cao độ cho công tác triển khai thực hiện dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Thế Hùng
Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 187 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (gọi tắt là dự án), lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ trì nhiều cuộc họp, kiểm tra thực địa các phương án tuyến đường, đoạn qua tỉnh.
UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án và ban hành nhiều văn bản phân công triển khai nhiệm vụ về GPMB, đoạn qua Vĩnh Phúc cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Các cơ quan của tỉnh khẩn trương phối hợp, rà soát, xác định, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức GPMB và bố trí tái định cư dự án.
Theo hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đoạn qua địa bàn tỉnh có diện tích đất cần thu hồi 211ha; số hộ dân thuộc phạm vi GPMB sơ bộ 569 hộ, tương ứng 2.276 người đang sinh sống; tổng kinh phí dự kiến tỉnh phải chủ động ứng trước vốn ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 5.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do đoạn qua địa phận tỉnh có độ cong lớn nhất trên toàn tuyến, khó có thể đạt được vận tốc tối đa của tàu chạy theo thiết kế 160 km/giờ khi đưa vào khai thác và vận hành.
Vì vậy, Sở Xây dựng đã chủ trì, tổ chức hội nghị cùng Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ Xây dựng, đơn vị tư vấn dự án và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thống nhất đề xuất điều chỉnh phương án tuyến đường sắt mới từ phía Bắc (chạy dọc theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hiện hữu) về phía Nam. Hiện, phương án hướng tuyến điều chỉnh đã được Hội đồng thẩm định - Bộ Xây dựng thông qua.
Theo đó, tuyến đường sắt quốc gia khi điều chỉnh về phía trung tâm sẽ kết nối với Vĩnh Phúc qua ga chính tại trung tâm thành phố Vĩnh Yên. Đặc biệt, hình thành điểm trung chuyển quan trọng, gắn kết với đô thị mới hồ Sáu Vó khi đón lưu lượng khách từ Trung Quốc sang Việt Nam đến Hải Phòng, mở rộng không gian phát triển.
Bên cạnh đó, phương án được điều chỉnh có chiều dài rút ngắn khoảng 39,5 km, chi phí đầu tư xây dựng giảm tương đương khoảng 2.893 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB còn khoảng 3.728 tỷ đồng…
Báo cáo tại phiên họp trực tuyến thứ 2, Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn kiến nghị Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện phương án tuyến điều chỉnh cũng như phạm vi ranh giới GPMB dự án, đoạn qua địa bàn Vĩnh Phúc.
Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật đối với đoạn qua khu vực trung tâm thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và các khu dân cư đông đúc. Đồng thời, hướng dẫn phương án xử lý các xung đột giữa phương án hướng tuyến mới với các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Bố trí tuyến đường sắt trong phạm vi chỉ giới đường đỏ khoảng 100m của tuyến Quốc lộ 2, đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khi hoàn thành sẽ kết nối qua ga chính hiện có tại trung tâm thành phố Vĩnh Yên, góp phần phát triển KT - XH của tỉnh trong giai đoạn mới. Ảnh: Thế Hùng
Xác định khối lượng công việc Vĩnh Phúc phải thực hiện rất lớn, Tỉnh ủy đã ban hành Văn bản số 3512 về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bồi thường, GPMB dự án.
Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo các thành viên, cơ quan chuyên môn, địa phương chủ động, tích cực phối hợp với chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án trên tinh thần khẩn trương, khoa học, nắm chắc tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình.
Tập trung, ưu tiên giải quyết các công việc liên quan đến dự án, đặc biệt là các nội dung về hướng tuyến, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất, vị trí và địa điểm tái định cư… Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến giải quyết các nội dung vượt thẩm quyền.
Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo lực lượng công an nắm chắc tình hình, dự báo các khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra trong công tác GPMB; kịp thời tham mưu, đề xuất phương án phòng ngừa, xử lý để chủ động giải quyết từ sớm, từ xa, không để xảy ra tình hình mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả dự án.
Ban Thường vụ Huyện ủy các địa phương: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên và Thành ủy Phúc Yên thành lập Ban Chỉ đạo GPMB do đồng chí Bí thư Huyện ủy, Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban để điều phối, lãnh đạo chung công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án trên địa bàn.
Chỉ đạo UBND cấp huyện bố trí nhân lực, phương tiện để triển khai các quy trình của công tác GPMB; chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết các vướng mắc vượt thẩm quyền phát sinh trong thực tiễn... Phấn đấu GPMB dự án xong trong tháng 9/2025 và khởi công dự án trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngọc Lan