Trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, trong đó, kinh tế số được xác định là động lực mới cho tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, những năm qua, tỉnh đã và đang kiến tạo mô hình kinh tế số trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Là một trong những địa phương luôn năng động, sáng tạo và có vị trí chiến lược nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp Hà Nội, có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ cùng hệ sinh thái công nghiệp điện tử đa dạng với hơn 200 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, trong đó có hơn 70 doanh nghiệp là nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn như Sam sung, Toyota, Honda, Piaggio, Compal... những năm gần đây, Vĩnh Phúc từng bước chuyển dịch sang mô hình phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech phát triển công nghệ số, tạo đột phá tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Tận dụng lợi thế chuỗi cung ứng công nghệ cao, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo chủ trương của Chính phủ, tập trung vào 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ứng dụng nhiều nền tảng số trên các lĩnh vực như hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thông tin báo cáo tỉnh, sổ sức khỏe điện tử, Cổng thông tin điện tử và các cổng thành phần.
Đến nay, hệ thống chính quyền điện tử được triển khai đồng bộ, tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia; hơn 90% dịch vụ công mức độ 4 được cung cấp trực tuyến; các mô hình “chợ số”, “hợp tác xã số”, “nông dân số” bước đầu hình thành và lan tỏa.
Đặc biệt, tỉnh đã và đang triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, qua đó đã có hơn 762.284 tài khoản định danh điện tử của công dân trên 14 tuổi được kích hoạt, đạt 77% người dân đủ điều kiện, là một trong những tỉnh có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển hạ tầng công nghiệp, thúc đẩy ngành sản xuất linh kiện điện tử và thu hút được 200 doanh nghiệp. Sự ổn định của các đơn hàng dài hạn và mở rộng hợp tác với các tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Google… đã giúp gia tăng doanh thu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mới đây, tỉnh đã đề xuất với Chính phủ tham gia vào đề án đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp này, đồng thời khẳng định quyết tâm trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, bán dẫn của Việt Nam. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh đạt 26,8%, đứng thứ 5 cả nước trong số các tỉnh, thành phố có tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP. Các khu công nghiệp đã tích hợp một phần công nghệ IoT, AI trong sản xuất và quản lý vận hành.

Công ty cổ phần Accuracy (Vĩnh Yên) ứng dụng công nghệ số vào sản xuất linh kiện cơ khí.
Khẳng định vai trò kinh tế số đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tại diễn đàn “Xây dựng kinh tế số địa phương trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông khẳng định, Vĩnh Phúc đang từng bước chuyển mình để trở thành trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, logistics, đô thị thông minh và dịch vụ hiện đại dựa trên những lợi thế của tỉnh cùng với quyết tâm chính trị cao trong công cuộc chuyển đổi số.
Tỉnh cam kết tạo môi trường đầu tư minh bạch, thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp; ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, phát triển hạ tầng công nghệ và logistics; sẵn sàng kết nối, hợp tác sâu rộng với các địa phương, tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ uy tín trong và ngoài nước. Qua đó từng bước khẳng định vị thế là địa phương tiên phong xây dựng kinh tế số trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Chương trình hành động số 85 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, tỉnh đặt mục tiêu thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, tận dụng tốt các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư để phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước, đồng thời triển khai các chương trình chuyển đổi số, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên tiến và hợp tác quốc tế phát triển kinh tế tri thức; xây dựng nền tảng dữ liệu số đồng bộ, an toàn và thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã, kết nối với hệ thống quốc gia; đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực số, kỹ sư công nghệ, chuyên gia dữ liệu, kỹ thuật viên AI,… thông qua hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư công nghệ, ưu đãi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số.
Bài, ảnh: Mai Liên