Nhằm khai thác hiệu quả nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, xã Cao Phong, huyện Sông Lô đã phát triển các mô hình thôn thông minh trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần tích cực nâng cao chất lượng đời sống người dân. Kết thúc năm 2024, cùng một lúc 5 thôn của xã Cao Phong được UBND huyện Sông Lô công nhận đạt chuẩn thôn thông minh. Điều đó không chỉ thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm và đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cao Phong mà còn là tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới để các địa phương khác học hỏi.

Hiểu về mục đích, ý nghĩa của mô hình thôn thôn minh, người dân xã Cao Phong đã đồng thuận trong thực hiện các tiêu chí.
Xây dựng thôn thông minh hướng tới mục tiêu xã thông minh được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, xã Cao Phong là một trong những đơn vị tích cực đi đầu trong việc thực hiện mô hình này.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Phong Khổng Văn Đông cho biết: Địa phương xác định xây dựng thôn thông minh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và xuyên suốt, là chủ trương lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đây cũng là cuộc vận động rộng rãi, thu hút nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia. Trong đó cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, điều hành; MTTQ và các đoàn thể có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân; nhân dân là chủ thể và là đối tượng được thụ hưởng thành quả xây dựng thôn thông minh.
Những năm qua, xã Cao Phong đã không ngừng nỗ lực triển khai thực hiện các mô hình thôn thông minh nhằm mang lại sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp người dân tiếp cận gần hơn các ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân ở Cao Phong đã nhận thức được vai trò chủ thể của mình nên chủ động hiến đất, góp tiền, góp công cho công cuộc kiến thiết, làm đẹp làng quê.
Sức mạnh nội tại được phát huy cao độ nên năm 2022, Cao Phong là xã đầu tiên của huyện Sông Lô về đích nông thôn mới nâng cao. Từ đó đến nay, với xuất phát điểm là một xã có mức thu nhập trung bình thấp của huyện, Cao Phong đã trở thành một trong những xã đứng đầu huyện Sông Lô về tốc độ phát triển kinh tế, đời sống của người dân Cao Phong đã nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân năm 2024 đạt trên 80 triệu đồng/người, xã nhiều năm không còn hộ nghèo.
Hào hứng nói về kết quả đạt được trong năm 2024 khi Cao Phong là xã duy nhất của huyện được UBND huyện Sông Lô công nhận 5 thôn đạt chuẩn thôn thông minh, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Phong Khổng Văn Đông khẳng định: Việc có 5 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn thông minh thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm và đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cao Phong. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số ở Cao Phong.
Những năm gần đây, chất lượng cuộc sống của người dân trong xã ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, bà con đã tiếp cận rất nhanh công nghệ số. Bởi vậy, khi huyện, xã giao nhiệm vụ xây dựng mô hình thôn thông minh, nhiều thôn đã tổ chức họp dân, tuyên truyền cho bà con hiểu về mục đích, ý nghĩa của mô hình. Nhận thấy lợi ích và hiệu quả mang lại, nhiều người dân đồng thuận trong thực hiện các tiêu chí.
Là một trong 5 thôn của xã Cao Phong được công nhận đạt thôn thông minh trong năm 2024, chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng mô hình này tại địa phương, bà Trần Thị Hà, Trưởng thôn Sơn Phục cho biết: Để hoàn thành chương trình xây dựng thôn thôn minh, bên cạnh việc nắm vững chủ chương, chính sách, mục tiêu, phương châm, phương pháp, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, để người dân nông thôn nhận thức rõ xây dựng thôn thông minh là làm cho chính mình, nhân dân là người thụ hưởng; người dân phải là chủ thể chính trong xây dựng thôn thông minh.
Công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên, liên tục để nắm rõ công việc và tiến độ. Kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn khi cần thiết, đảm bảo từng công việc, chỉ tiêu phải đúng tiến độ, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong tài chính.
Giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ. Duy trì nghiêm quy chế làm việc phát huy trách nhiệm người đứng đầu; phân công, phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị và từng cán bộ.
Bên cạnh đó, cần chủ động, sáng tạo lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp, lựa chọn khâu đột phá vào các tiêu chí khó, tiêu chí chủ đạo quyết định trong xây dựng thôn thông minh. Đồng thời phát huy dân chủ và thực hiện nghiêm quy chế dân chủ với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của chính quyền gắn với công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện.
Cũng giống thôn Sơn Phục, thời gian qua, người dân thôn Dùng, xã Cao Phong đã quen với việc ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống hàng ngày như giao dịch thương mại điện tử, thông qua mạng xã hội để phản ánh tình hình trong thôn... Ban quản lý thôn cũng không còn vất vả khi phải đi từng nhà thông báo hoặc thông báo trên loa truyền thanh nữa, mà tất cả công việc của thôn đều được thông báo trên nhóm Zalo để bà con nắm bắt.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hạnh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Dùng, cho biết: Những năm gần đây, chất lượng cuộc sống của người dân trong thôn ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, bà con đã tiếp cận rất nhanh với công nghệ số. Bởi, khi xã giao nhiệm vụ xây dựng mô hình thôn thông minh, chi ủy, Ban quản lý thôn đã tổ chức họp thôn, tuyên truyền cho bà con hiểu về mục đích, ý nghĩa của mô hình. Nhận thấy lợi ích và hiệu quả mang lại, người dân trong thôn đồng thuận trong thực hiện các tiêu chí.
Đến nay, hầu hết người dân trong thôn ở độ tuổi lao động dùng tài khoản thanh toán điện tử để thanh toán tiền điện, tiền nước, mua hàng trực tuyến, thanh toán tiền phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 1.053/1.053 người dân trong thôn có sổ khám, chữa bệnh điện tử, đạt tỷ lệ 100%. Trước đây, việc sử dụng Zalo, điện thoại thông minh rất hạn chế. Mỗi lần thông báo về các sự kiện, hội họp, cán bộ thôn phải sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời. Giờ đây, với ứng dụng Zalo, người dân trong thôn đã nhận được thông tin một cách nhanh chóng mọi lúc, mọi nơi.
“Việc xây dựng mô hình thôn thông minh đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống hằng ngày của người dân. Hiện, 100% hộ dân trong thôn có hạ tầng internet và mạng di động 3G/4G; 84,75% người dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và tăng cường.
Trên địa bàn thôn lắp đặt 3 hệ thống camera giám sát an ninh tại các tuyến đường. Các nhóm Zalo của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được sử dụng hiệu quả, góp phần nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của nhân dân và những vấn đề vi phạm phát sinh trong đời sống xã hội. Đồng thời cũng là kênh thông tin truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương đến với người dân một cách nhanh nhất, chính xác nhất”, ông Nguyễn Văn Hạnh phấn khởi chia sẻ.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ