Được đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh do hạ tầng giao thông kết nối với các khu vực lân cận, cơ chế chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư và nguồn nhân lực dồi dào, năm 2024, thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục tạo đột phá và “cán đích” sớm. Đây chính là tiền đề để Vĩnh Phúc tự tin bước vào Xuân mới, với những thời cơ, vận hội mới.
Với cảnh quan xanh, sạch, đẹp, hạ tầng hiện đại, Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Sau hơn 27 năm tái lập và phát triển, Vĩnh Phúc luôn kiên định mục tiêu khuyến khích, thu hút và thúc đẩy đầu tư nhưng có chọn lọc theo định hướng phát triển chung của tỉnh. Đồng thời nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), trong đó chú trọng thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp FDI có quy mô, tiềm lực để dẫn dắt, kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, tạo ra “hệ sinh thái công nghiệp” gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới.
Đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen, từ quan điểm, mục tiêu, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước, năm 2024, tỉnh tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp từ quy hoạch, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đến việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Đồng thời nghiên cứu bổ sung các cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, các cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư, tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… nhằm thu hút các dự án lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, các dự án đầu tư gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.
Đặc biệt, tập trung đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu chuỗi trong các ngành ưu tiên như ô tô, xe máy, điện tử. Tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và DDI, khai thác được nguồn lực, kinh nghiệm quản lý, công nghệ của các doanh nghiệp đầu chuỗi để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng...
Nhờ đó, thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của cả nước. Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2024, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 44 dự án FDI (23 dự án cấp mới, 21 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 435,8 triệu USD, tăng 28,47% so với cùng kỳ, vượt 8,95% kế hoạch giao đầu năm (400 triệu USD).
Tính chung năm 2024, toàn tỉnh có 80 dự án FDI cấp mới và tăng vốn, đạt 620 triệu USD, vượt 55% kế hoạch năm; 32 dự án DDI cấp mới và tăng vốn, đạt 5.500 tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 1.326 dự án, trong đó 481 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8,4 tỷ USD; 847 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 145 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút đầu tư của cả nhiệm kỳ 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 3,2 tỷ USD vốn FDI và hơn 63.600 tỷ đồng vốn DDI).
Đáng mừng hơn, các dự án tỉnh đã thu hút, cấp mới và tăng vốn là các dự án công nghệ, có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị về điện tử, ô tô, xe máy theo đúng định hướng. Tiêu biểu như dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH BH Flex Vina tăng vốn đầu tư 75 triệu USD; dự án Korea Circuit Vina của Korea Circuit và Interflex Vina tại Khu công nghiệp Đồng Sóc tăng vốn đầu tư 91 triệu USD; dự án đầu tư mới Trung tâm dữ liệu HN03 của Công ty cổ phần Viễn thông FPT với tổng vốn đầu tư hơn 1.121 tỷ đồng…
Đặc biệt, tháng 9/2024, Công ty cổ phần Signetics (Hàn Quốc) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech về việc triển khai dự án Nhà máy bán dẫn tại tỉnh với quy mô 50.000 m2 và tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD. Tháng 11/2024, UBND tỉnh và Tập đoàn Vingroup đã ký kết hợp tác toàn diện xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và nghiên cứu đầu tư vào nhiều lĩnh vực trọng điểm của tỉnh.
Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, góp phần thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước triển khai nhiều dự án, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách hằng năm. Trong ảnh: Công ty TNHH Vina NewFlex (KCN Bá Thiện 2) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, gia công bảng mạch điện tử. Ảnh: Thế Hùng
Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu thu hút 22 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 800 triệu USD và 12 dự án DDI mới với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt 2.200 tỷ đồng.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, chăm sóc tốt các nhà đầu tư trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, quyết liệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án vào hoạt động theo đúng kế hoạch, nhất là các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng của doanh nghiệp, đặc biệt là lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề. Chú trọng mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện với môi trường như thiết bị điện tử, bán dẫn, robot, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), dược phẩm sinh học... gắn với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuỗi giá trị toàn cầu.
Hồng Tính