Với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc là địa phương có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050; là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng, vì vậy, việc thu hút các dự án khu công nghiệp, khu đô thị, tổ hợp giải trí - nghỉ dưỡng cao cấp, chất lượng cao được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort (Phúc Yên) được đầu tư hiện đại với nhiều dịch vụ phong phú, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí của du khách. Ảnh: Nguyễn Lượng
Mới đây, rạp chiếu phim Beta Vĩnh Yên nằm trong khuôn viên khách sạn Quốc tế Modena, phường Đống Đa (Vĩnh Yên) đã chính thức đi vào hoạt động thu hút đông đảo người dân đến trải nghiệm.
Được biết, đây là 1 trong 2 cụm rạp chiếu phim hiện đại được Tập đoàn Thép Việt Đức hợp tác với Hệ thống rạp chiếu phim Beta Media xây dựng, góp phần mang đến những dịch vụ giải trí hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc đưa rạp chiếu phim đi vào hoạt động, trước tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn tỉnh hiện nay, thời gian gần đây, nhiều khu vui chơi, quán cà phê, sân khấu ca nhạc ngoài trời... đã được đầu tư tại nhiều địa phương, phần nào đáp ứng nhu cầu giải trí hiện đại, chất lượng cao của người dân.
Nhằm cải thiện, nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân, thụ hưởng từ thành quả phát triển kinh tế của tỉnh; hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; trung tâm thương mại; khu đô thị, dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp để xứng tầm với tiềm năng của tỉnh.
Có thể kể đến đầu tư trong lĩnh vực khu công nghiệp là Công ty cổ phần Vina - CPK, Tập đoàn Sumitomo...; trong lĩnh vực du lịch, khu đô thị là Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng, Công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải, Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển xây dựng (DIC Corp)...
Rạp chiếu phim Beta Vĩnh Yên nằm trong khuôn viên khách sạn Quốc tế Modena, phường Đống Đa (Vĩnh Yên) đã chính thức đi vào hoạt động thu hút đông đảo người dân đến trải nghiệm. Ảnh: Nguyễn Lượng
Giữa bối cảnh sự vươn lên mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương, cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế tăng trưởng xanh trên toàn cầu, nhiều lợi thế cạnh tranh của tỉnh đang dần bị giảm sút, tỉnh tập trung phát triển từ "chiều rộng" sang "chiều sâu", thu hút các dự án khu đô thị và dịch vụ, khu công nghiệp theo hướng xanh, hiện đại và thông minh, phát triển bền vững.
Nắm bắt xu thế này, năm 2024, Tập đoàn CNCTech (Việt Nam) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) tập trung phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp xanh, thông minh, thân thiện với môi trường; xây dựng Vĩnh Phúc trở thành trung tâm dẫn đầu về công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại sự kiện Diễn đàn "Giải pháp xanh toàn diện các khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư" diễn ra vào đầu tháng 12/2024, tỉnh đã trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho Công ty TNHH IMARKET Việt Nam về nghiên cứu, khảo sát địa điểm đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư sân golf tại tỉnh vào năm 2025 và Công ty cổ phần KINDERWORLD Việt Nam về nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án khu đô thị phức hợp giáo dục quốc tế...
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án: Khu nghỉ dưỡng Thanh Xuân, dự án Khu sinh thái Đảo Ngọc, dự án sân golf Thanh Lanh, các dự án khu đô thị mới: TMS Đầm Cói, Nam Vĩnh Yên giai đoạn 1, Nam Vĩnh Yên giai đoạn 3, phường Xuân Hòa (Phúc Yên)...
Thời gian tới, ngoài việc xây dựng môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nghiên cứu hỗ trợ các yếu tố về hạ tầng, chi phí và chất lượng logistics, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D)...
Cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh thời gian giải quyết để tăng khả năng tiếp cận doanh nghiệp, tăng cường cập nhật các thông tin về lĩnh vực, ngành có thế mạnh của huyện, thành phố và chủ động phối hợp với các sở, ngành về việc nghiên cứu, xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn tỉnh trong quản lý Nhà nước từ bước thẩm định cấp phép đầu tư đến bước hoạt động sản xuất, kinh doanh và chấm dứt hoạt động, rút khỏi thị trường.
Chú trọng đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, khu nghỉ dưỡng cao cấp... để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và người lao động ở các địa phương về làm việc sinh sống tại tỉnh, tạo sức hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy phát triển KT - XH.
Lưu Nhung