Trải qua 125 năm xây dựng và phát triển, thành phố Vĩnh Yên không ngừng đổi mới, tiên phong trong công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh. Đây là động lực chiến lược giúp thành phố nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng phục vụ người dân và tạo nền tảng vững chắc xây dựng đô thị thông minh, hiện đại.
Năm 2024, UBND thành phố Vĩnh Yên ban hành và triển khai kế hoạch CCHC với 48 nhiệm vụ, phân công cụ thể cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.
UBND các xã, phường chủ động xây dựng kế hoạch sát với thực tế và nghiêm túc triển khai các nội dung của công tác CCHC theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đến nay, UBND thành phố Vĩnh Yên đã hoàn thành 45 nhiệm vụ, đạt gần 94%. Chỉ số CCHC của thành phố đạt 90,11 điểm, đứng thứ 2 toàn tỉnh.
Nhiều thủ tục hành chính phức tạp được rút ngắn thời gian giải quyết từ 15 ngày xuống còn 7 ngày, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Cán bộ, công chức bộ phận "Một cửa" UBND thành phố Vĩnh Yên giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Dương Chung
Những kết quả đạt được trong CCHC không chỉ cho thấy sự quyết liệt trong chỉ đạo mà còn là sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố về việc hiện đại hóa bộ máy hành chính.
Công tác CCHC được thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (một phần và toàn trình) đã có nhiều chuyển biến tích cực, vượt xa chỉ tiêu của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ phận "Một cửa" thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 3.600 hồ sơ trực tuyến, chiếm hơn 97%; bộ phận "Một cửa" các xã, phường đã tiếp nhận và giải quyết hơn 19.300 hồ sơ trực tuyến, chiếm hơn 96%... giúp giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Khảo sát mức độ hài lòng của người dân trên Cổng Dịch vụ công tỉnh cho thấy, năm 2024, thành phố Vĩnh Yên ghi nhận hơn 1.400 lượt tham gia khảo sát với hơn 96% số người đánh giá “Rất hài lòng”; hơn 3% số người đánh giá “Hài lòng” và chỉ có 0,07% số người đánh giá “Không hài lòng”.
Công tác triển khai xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính phủ số được UBND thành phố quan tâm, đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử được kiện toàn kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu về tổ chức và hoạt động hiệu quả.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu CCHC và nâng cao hiệu quả quản lý. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 được áp dụng, duy trì và cải tiến liên tục đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Phần mềm quản lý văn bản và điều hành liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường được triển khai, giúp đảm bảo kết nối thông suốt giữa các cấp chính quyền. Hiện tại, 100% văn bản đến và đi (trừ văn bản mật) đều được xử lý qua môi trường mạng, mang lại sự nhanh chóng và thuận tiện trong giao dịch hành chính.
Bên cạnh đó, thành phố Vĩnh Yên đã triển khai rộng rãi việc sử dụng chữ ký số tại 100% các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường. Chữ ký số không chỉ được sử dụng trong giao dịch hành chính mà còn sử dụng trong các hoạt động kê khai thuế, bảo hiểm xã hội và gửi nhận văn bản điện tử, giúp giảm thời gian, chi phí và nâng cao tính bảo mật trong các giao dịch.
Hệ thống mạng LAN của thành phố được nâng cấp hoàn chỉnh, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0.
Hệ thống này không chỉ hỗ trợ việc trao đổi thông tin mà còn tăng cường mức độ bảo mật và an toàn dữ liệu trong toàn bộ các giao dịch hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại.
Các lĩnh vực như quản lý đất đai, dân cư, giao thông được xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu số. Hệ thống camera giám sát thông minh được triển khai rộng rãi tại các khu vực trọng điểm, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý đô thị và đảm bảo an ninh trật tự.
Thời gian tới, thành phố Vĩnh Yên tiếp tục duy trì những kết quả đạt được trong công tác CCHC và chuyển đổi số. Thành phố đặt mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, đẩy mạnh liên thông dữ liệu giữa các ngành và các cấp chính quyền nhằm cải thiện hiệu quả công tác quản lý và phục vụ người dân.
Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được ưu tiên để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số toàn diện.
Các chương trình đào tạo kỹ năng số cho cán bộ công chức cũng tiếp tục được triển khai, giúp đội ngũ cán bộ sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của thời đại số hóa.
Bên cạnh đó, thành phố hướng tới mục tiêu phát triển mô hình đô thị thông minh tại các khu vực trọng điểm, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Minh Nguyệt