Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, gia đình chị Bùi Thị Thái, thôn Yên Trình, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp với mô hình nuôi ếch trong bể bạt kết hợp nuôi cá. Mô hình góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sinh năm 1987, sau nhiều năm làm công nhân tại một công ty may mặc, năm 2022, chị Bùi Thị Thái quyết định nghỉ việc, cùng chồng khởi nghiệp xây dựng mô hình sinh kế ổn định lâu dài để cải thiện cuộc sống gia đình và có thêm điều kiện chăm lo các con ăn học.
Với bản tính cần cù, chịu khó, cùng tinh thần ham học hỏi, sau khi học tập kinh nghiệm nuôi ếch từ gia đình anh trai, chị Thái đã bàn bạc với chồng đầu tư 100 triệu đồng xây dựng bể nuôi bằng bạt, hệ thống nhà lồng trên diện tích đất ruộng của gia đình để phát triển mô hình nuôi ếch thương phẩm.
Mỗi bể nuôi có diện tích từ 30-50m2, bên ngoài xây bằng xi măng kiên cố, bên trong lót bạt và bố trí các giá thể để ếch lên cạn.
Ban đầu, chị Thái nuôi 10 vạn ếch giống nhưng vì chưa có nhiều kinh nghiệm và đầu ra nên lứa ếch bị thiệt hại khá nhiều. Hai vợ chồng chị quyết tâm tìm tòi và học hỏi qua sách báo, các chương trình tập huấn và nghiên cứu về thị trường tiêu thụ ếch. Vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, sau 1 năm chăn nuôi, mô hình dần thành công và mang lại hiệu quả tốt.
Từ nuôi chủ yếu là ếch thịt, sang năm thứ 2, chị bắt đầu chuyển sang nuôi ếch bố mẹ để ương ếch giống. Ngoài nuôi ếch, chị còn kết hợp đào ao quanh chuồng ếch nuôi cá trê để tăng gia sản xuất.
Theo chị Thái, nuôi ếch kết hợp với nuôi cá là một sự cộng sinh có lợi lớn, tận dụng được nguồn thức ăn dư thừa và chất thải của ếch làm thức ăn cho cá, đồng thời còn làm sạch ao, hạn chế được dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, mô hình chăn nuôi của gia đình chị Thái đã phát triển với quy mô lên đến hơn 1.000m2, số lượng ếch cũng tăng lên 3 vạn con. Trong đó, diện tích bể bạt nuôi ếch rộng hơn 400 m2 với khoảng 12 bể.
Từ 10 cặp ếch bố mẹ, khi phối giống nhân đàn, từ lúc đẻ trứng đến khi xuất bán mất khoảng 4 tháng, mỗi đợt được khoảng hơn 10.000 con giống. Giá ếch giống dao động từ 1.000 – 1.200 đồng/con, trừ các khoảng phí đầu tư ban đầu, chị thu khoảng 100 triệu đồng từ bán ếch giống mỗi đợt.
Đối với ếch thương phẩm, cứ 3-4 tháng chị xuất bán 1 lứa, giá bán lẻ từ 60 - 65 nghìn đồng/kg, giá bán buôn từ 45- 55 nghìn đồng/kg.
Theo đó, một năm 2 lứa, gia đình chị cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn ếch thương phẩm mỗi năm, thu lãi trên 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, kết hợp với diện tích ao nuôi cá trê cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Nhờ chăm sóc cẩn thận, đàn ếch thương phẩm sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh, đạt chất lượng cao.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người trong và ngoài xã thường tìm đến trang trại nhà chị đặt hàng trực tiếp cũng như tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nuôi ếch.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi ếch thương phẩm, chị Thái cho biết: “Khi nuôi ếch phải nắm bắt được kỹ thuật và chịu khó quan sát tập tính sinh sống của ếch, chú trọng nguồn nước, đặc biệt nuôi ở ao thì cần tiến hành cải tạo thường xuyên. Thức ăn của ếch chủ yếu là thức ăn công nghiệp, liều lượng tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển.
Riêng đối với việc sản xuất ếch giống, người nuôi phải nắm chắc quy trình kỹ thuật từ khâu nuôi ếch bố mẹ, ấp trứng, nòng nọc và nuôi nòng nọc lên ếch con. Đặc biệt nên trồng lục bình hoặc rau muống phủ khắp mặt nước để ếch con nương tựa, trú ẩn vào thân rau, không tấn công lẫn nhau và tiếp nhận thức ăn đồng đều hơn”.
Chị Thái luôn chú ý vệ sinh chuồng trại và cho ếch ăn đúng liều lượng theo từng giai đoạn phát triển.
Mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá của gia đình chị Thái đem lại hiệu quả kinh tế cao, được chính quyền địa phương đánh giá là mô hình kinh tế mới, được nhiều hộ dân trên địa bàn học tập và nhân rộng.
Bài, ảnh: Thảo My