Với tầm nhìn phát triển bền vững và tạo nền tảng vững chắc để Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tỉnh đang từng bước xây dựng nền kinh tế xanh, hiện đại; phát triển khu công nghiệp sinh thái để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực mới cho tăng trưởng của tỉnh.
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đầu tư và ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, hướng tới mục tiêu trở thành “doanh nghiệp xanh”. Ảnh: Thế Hùng
Năm 2024, tỉnh đã vượt qua khó khăn, thách thức lớn, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục phát triển, đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực với 14/15 chỉ tiêu chủ yếu về KT-XH, môi trường đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng thứ 8/11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, thu ngân sách nội địa của tỉnh chỉ ước đạt 25.068 tỷ đồng, bằng 95,1% so với dự toán; tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt kế hoạch song còn thấp hơn so với một số tỉnh lân cận.
Tại kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh mới đây, các đại biểu phân tích có nhiều nguyên nhân: So với các tỉnh trong vùng, không gian cho phát triển theo chiều rộng của Vĩnh Phúc không còn nhiều, đặc biệt là đất đai, tài nguyên; công tác giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp (KCN) rất khó khăn, trong khi giá thuê hạ tầng của tỉnh cao so với các địa phương lân cận.
Cùng với đó, với sự phát triển nhanh của hạ tầng giao thông quốc gia thì vị trí địa lý không còn là thế mạnh của tỉnh như trước đây, sự cạnh tranh của các địa phương lân cận ngày càng mạnh mẽ hơn. Các động lực mới mang tính đột phá cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh chậm được hình thành...
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8 - 9% và cho cả nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, mới đây, tỉnh đã tổ chức hàng loạt các hội nghị xúc tiến đầu tư, chuyển đổi xanh, phát triển KCN sinh thái là minh chứng cho quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Tại Diễn đàn Giải pháp xanh toàn diện các KCN và xúc tiến đầu tư vào tỉnh tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh, tính đến hết tháng 11/2024, Vĩnh Phúc đã thu hút được 1.326 dự án, gồm 481 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8,4 tỷ USD và 845 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 145 nghìn tỷ đồng.
Sau gần 30 năm xây dựng, phát triển, Vĩnh Phúc đã thành lập 19 KCN. Theo Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh có 28 KCN với diện tích khoảng 4.800 ha.
Trước xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đang bao trùm hiện nay, tỉnh lồng ghép định hướng phát triển bền vững các KCN, phát triển hạ tầng xanh vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển KCN bền vững, KCN sinh thái gắn với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đồng thời quảng bá tiềm năng, xúc tiến đầu tư vào tỉnh, tạo cơ hội kết nối hệ sinh thái phát triển công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Cùng với đó, tỉnh triển khai ngay các luật, nghị định được Quốc hội, Chính phủ thông qua để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế, trong đó tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện hiệu quả phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án quan trọng tạo động lực lan tỏa tích cực cho phát triển kinh tế; đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng các công trình, dự án hạ tầng kết nối, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển các KCN, cụm công nghiệp như các nút giao IC2, IC5 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn qua địa bàn tỉnh; mở rộng trục trung tâm Mê Linh; đường trục Bắc - Nam kết nối với cầu Vân Phúc; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cảng cạn ICD để giảm chi phí logistics.
Quyết tâm tạo dấu ấn mới trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 - năm cuối của nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31/12/2024 theo đúng quy định và bảo đảm nguồn vốn được phân bổ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, nhất là đối với các dự án quan trọng có tác động lớn đến phát triển KT-XH, các dự án trọng điểm về hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, bảo đảm an sinh xã hội.
Dự kiến năm 2025, tổng vốn đầu tư công của tỉnh hơn 6.898 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 1.150 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 5.748 tỷ đồng.
Đối với các dự án khởi công mới, chỉ thực hiện bố trí vốn khi đã hoàn thành thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi toàn bộ vốn ứng trước theo quy định. Tỉnh cương quyết không bố trí vốn cho các dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025.
Mai Liên