Thời gian qua, mạng lưới trạm y tế đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Song, trước những yêu cầu trong tình hình mới, ngành Y tế tiếp tục quan tâm, đầu tư, phát triển mạng lưới y tế cơ sở; giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng, tiết kiệm chi phí khám, chữa bệnh (KCB), giảm áp lực cho các đơn vị y tế tuyến trên.
Y, bác sĩ Trạm Y tế xã Liên Châu (Yên Lạc) luôn tận tình tư vấn sức khỏe cho người dân. Ảnh: Dương Chung
Để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, Trạm Y tế xã Tam Quan (Tam Đảo) đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác KCB; nâng cao chất lượng chuyên môn.
Hiện, Trạm Y tế xã Tam Quan thực hiện KCB bảo hiểm y tế (BHYT); khám kê đơn điều trị ngoại trú các bệnh không lây nhiễm; thực hiện các hoạt động y tế dự phòng và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số...
Từ đầu năm đến nay, trạm đã khám, cấp phát thuốc BHYT cho hơn 4.000 lượt người. Trong đó, nhiều người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, cao huyết áp và các bệnh về đường hô hấp.
Bác sĩ Trần Thị Hà, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tam Quan cho biết: Hiện nay, danh mục thuốc BHYT đang được phân cấp theo hạng bệnh viện, trong đó, danh mục thuốc của trạm y tế chỉ khoảng 25%. Điều này khiến nhiều người bị bệnh mãn tính phải lên tuyến trên để lĩnh thuốc thay vì đến trạm y tế.
Để giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay từ cơ sở, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 37/2024 có nhiều quy định mới giúp giải quyết những vướng mắc, tăng quyền lợi của người tham gia BHYT khi thanh toán đối với thuốc trong quá trình điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Trong đó, quy định các cơ sở y tế được sử dụng toàn bộ thuốc trong danh mục BHYT phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, điều trị mà không phân biệt hạng thuốc bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật.
Từ ngày 1/1/2025 khi Thông tư số 37 có hiệu lực, danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế được bổ sung sẽ giúp giảm áp lực cho tuyến trên; người bệnh mạn tính được quản lý, cấp phát thuốc từ cấp địa phương và tiết kiệm thời gian di chuyển”.
Là người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường điều trị ổn định nhiều năm nay, chị Diệp Thị Trần, thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan chia sẻ: Hằng tháng, tôi phải đến Trung tâm Y tế huyện lấy thuốc do loại thuốc tôi đang sử dụng ở trạm y tế xã không có.
Vì vậy, nếu trạm y tế được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục BHYT thì những người dân bị bệnh như tôi rất vui mừng vì được theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ và được lấy thuốc ngay tại trạm y tế xã mà không phải đi xa.
Nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, Trạm Y tế xã Liên Châu (Yên Lạc) đã thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; duy trì giao ban định kỳ hằng tháng, kịp thời giải đáp, tháo gỡ những khó khăn trong triển khai nhiệm vụ; hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm đặt lịch khám online, nhắc lịch tiêm chủng, tư vấn tiêm chủng cho trẻ; lập hồ sơ sức khỏe cá nhân và quản lý, theo dõi các bệnh mãn tính không lây nhiễm; thực hiện nghiêm chế độ trực, bảo đảm xử trí, cấp cứu kịp thời các ca bệnh... Nhờ đó, người dân trong xã tin tưởng, hài lòng với chất lượng, thái độ phục vụ của cán bộ tại trạm y tế.
Y sĩ Nguyễn Thị Hằng Nga, quyền Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liên Châu cho biết: Hiện nay, tỷ lệ người dân trên địa bàn xã tham gia BHYT đạt 96,2%; hằng tháng, trạm đón tiếp gần 200 lượt người đến KCB theo BHYT. Tuy nhiên, trong danh mục thuốc BHYT của trạm mới chỉ có khoảng 20 loại nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Từ ngày 1/1/2025, Thông tư số 37 của Bộ Y tế có hiệu lực, các cơ sở y tế đều được sử dụng thuốc BHYT như nhau cho bệnh nhân mà không phải căn cứ vào hạng bệnh viện hay tuyến; đồng thời bổ sung các quy định mới về hướng dẫn thanh toán thuốc.
Quy định mới sẽ tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát triển, nâng cao năng lực chuyên môn; đáp ứng nhu cầu KCB, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; hạn chế quá tải bệnh viện tuyến trên.
Thời gian qua, trạm y tế các xã, phường, thị trấn trong tỉnh luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng, truyền thông, giáo dục sức khỏe…
Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Hiện, 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc, có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Các hoạt động y tế dự phòng và các chương trình y tế dân số tại các trạm y tế được triển khai hiệu quả...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế ngay từ cơ sở, ngành Y tế, chính quyền các địa phương tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực cho tuyến y tế cơ sở; tăng cường chỉ đạo và giám sát công tác chuyên môn y tế tại các trạm y tế… góp phần nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.
Minh Thu