Kỳ 2: Tổ quốc luôn ở trong tim
Mỗi khi ngước nhìn Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên cột cờ Liên hợp quốc, những nữ chiến sĩ đội mũ nồi xanh như nhìn thấy quê hương, xứ sở thật gần. Tổ quốc luôn ở trong tim họ. Là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao, là ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để họ vượt qua khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Tự hào lá cờ Tổ quốc Việt Nam tung bay bên cột cờ Liên hợp quốc.
Sứ mệnh của người lính mũ nồi xanh
Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Phương Thảo (sinh năm 1988) là điều dưỡng của Bệnh viện Quân y 109. Giờ đây, chị đang đảm nhiệm vai trò mới là Hành chính trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện cấp 2, số 6 tại Bentiu, Nam Sudan. Cách đây hơn một năm, chị cùng với 3 đồng nghiệp khác đã tình nguyện viết đơn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sau một thời gian tìm hiểu thông tin. Tuy vậy, khi đặt chân đến đây, chị vẫn không khỏi ngỡ ngàng.
“Tôi mất ngủ triền miên vì chênh lệch múi giờ. Gần như mỗi ngày chỉ ngủ được hai tiếng. Tuy vậy, công việc cũng đã dần thích nghi. Sáu mươi ngày qua đã cho tôi những trải nghiệm vô cùng quý giá ở nơi tận cùng của sự nghèo đói và bạo lực. Khi được tham gia lễ chào cờ đầu tháng, đứng dưới bóng cờ Tổ quốc, cất vang lời quốc ca, tôi thấy trào dâng một niềm thiêng liêng, xúc động. Tôi hiểu hơn giá trị của hòa bình và ý nghĩa của sứ mệnh Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc mà mình và đồng đội đang tham gia. Hy vọng rằng sẽ giúp ích cho đất nước và nhân dân Nam Sudan” - Thảo chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cắt băng khánh thành lớp học tặng nhà trường của thị trấn Abyei, phái bộ UNISSFA.
Câu chuyện giữa chúng tôi một bên là 1h sáng (giờ Việt Nam) và một bên là 5h chiều (tại Nam Sudan) bị gián đoạn do đường truyền vào giờ cao điểm. Tôi tìm số liên hệ để kết nối với một nữ quân y khác ở đội công binh nhưng cũng không thể nào liên lạc được. Lúc sau, Thảo gọi lại thông báo: “Có bệnh nhân vừa được đưa vào viện nên em phải đi thăm khám ngay. Xong việc em sẽ chủ động liên hệ lại”.
Gần 2h sáng thì tôi nhận được cuộc gọi của Thảo. Qua câu chuyện mà cô chia sẻ, tôi hiểu hơn về công việc thường ngày của những y, bác sĩ Việt Nam tại đơn vị cô đang công tác. Mặc dù là bệnh viện đảm bảo công tác khám chữa bệnh nội bộ cho bộ binh, phái đoàn, nhưng trong trường hợp có người dân cần cấp cứu, khám, điều trị, bệnh viện vẫn tiếp nhận cả trong và ngoài giờ hành chính. Bởi, dù ở quốc gia nào thì những y, bác sĩ của Việt Nam cũng luôn giữ vững lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Lương y như từ mẫu”.
Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất. Việc tư vấn, truyền đạt y lệnh gặp nhiều khó khăn nên các bác sĩ phải kết hợp sử dụng ngôn ngữ và cử chỉ. Tại đây, Thảo và các y bác sĩ đã chẩn đoán, thực hiện thành công một số ca mổ viêm ruột thừa, gãy xương. Riêng một số ca sinh khó phải hiệp đồng máy bay quân sự để chuyển tuyến trên nhưng không phải lúc nào cũng điều được máy bay kịp thời.
“Ở đây, không có quán ăn hay cửa hàng. Nếu muốn mua gì phải ra ngoài căn cứ, tới thị trấn Bentiu. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không được rời khỏi nơi mình làm việc, bởi lo ngại vấn đề an ninh và tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn của Phái bộ”, Thảo cho biết thêm.
Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Thị Phương Thảo thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện cấp 2, số 6 tại Bentiu, Nam Sudan.
Với những y bác sĩ thuộc Đội công binh, họ sẽ đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho công binh trong quá trình sửa chữa, làm đường, cứu hộ giao thông, làm nhà cho người dân và dựng trường học... Những lần ra ngoài đi cứu thương, chữa bệnh, họ có cơ hội được chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây. Những câu chuyện dọc đường công tác được nghe kể lại mà thấy xót lòng!
Ngoài giờ hành chính, những người lính lại tự tay cuốc đất, làm vườn, gieo xuống mảnh đất cằn cỗi ấy những hạt giống được mang từ Việt Nam sang. Những giọt nước chắt chiu, những bàn tay chăm bón... cây cho hoa cho quả, rau cho lá xanh non. Mỗi chiều ra vườn, nhìn những non tơ ấy cũng dịu đi phần nào nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình, người thân. Và cũng nhờ thế, bữa ăn mới có thêm những món “tươi mới”.
Chương trình giao lưu nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Phái bộ UNISFA.
Thượng tá Trần Quang Hoàn, Chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện Quân y 109 cho biết: “Đến nay, đã có hàng chục lượt y, bác sĩ của bệnh viện tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc. Một số trường hợp cả hai vợ chồng đều đang công tác tại viện, lãnh đạo bệnh viện hết sức quan tâm, tạo điều kiện về thời gian, sắp xếp lịch trực phù hợp để các đồng chí có điều kiện chăm lo gia đình. Với những trường hợp còn lại, bệnh viện thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình, giúp đỡ lúc khó khăn... để các đồng chí yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trên tuyến đầu. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vinh dự của các đồng chí nói riêng và của cơ quan nói chung”.
Tự hào những “sứ giả hòa bình”
Không chỉ thực hiện tốt sứ mệnh của người lính mũ nồi xanh, những nữ chiến sĩ quân y đến từ quê hương Vĩnh Phúc nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung còn mang tới tình hữu nghị, đoàn kết.
Thiếu tá Vũ Thị Huế, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến cấp 1, Đội công binh số 3, khu vực Abyei chia sẻ: Chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây mà xót lòng. Nhà ở chỉ là những lán, lều tạm bợ. Trẻ con không có quần áo mặc. Thậm chí có nơi, người lớn cũng chỉ được mỗi tấm vải để quấn lên người. Thiếu lương thực, thiếu nước sạch. Họ sống như du mục, nay đây mai đó. Bệnh dịch dễ lây lan... Cán bộ, chiến sĩ ta đã có nhiều hoạt động tình nguyện như giúp người dân dựng nhà, sửa chữa trường học, tặng quần áo, sách vở cho học sinh. Vào dịp Tết Thiếu nhi, Trung thu, đoàn công tác tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho các cháu, vừa là dịp giao lưu cùng người dân, vừa gửi tặng đến các em nhỏ những phần quà ý nghĩa được mang đến từ Việt Nam.
Những hoạt động trong ngày Tết Trung thu.
Không chỉ sẵn sàng giúp đỡ người dân bản địa, các chiến sĩ Việt Nam còn luôn đồng hành cùng những đơn vị bạn đang thực hiện nhiệm vụ tại nơi đóng quân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều luôn ý thức được rằng, mình là những “sứ giả hòa bình” đến từ đất nước Việt Nam với 54 dân tộc anh em một lòng đoàn kết, giàu bản sắc văn hóa truyền thống.
Bởi thế nên trong hành trang của họ trước lúc khởi hành đã chuẩn bị sẵn những lá cờ Tổ quốc đỏ thắm; chiếc áo dài thướt tha in họa tiết "quốc hoa" Việt Nam; là bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng…; là chiếc áo tứ thân của những cô gái quan họ Bắc Ninh... cùng những ca khúc tràn đầy hào khí của tuổi trẻ Việt Nam với niềm tự hào dân tộc sâu sắc, ca ngợi Đảng, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; những làn điệu dân ca trải khắp ba miền... Một nửa cho mình, một nửa làm quà cho bạn bè năm châu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Cận kề ngày Tết cổ truyền, những cán bộ trở lại sau kỳ nghỉ phép luôn cố gắng mang theo hương vị quê nhà để đồng đội nơi xa được đón một cái Tết thật đậm vị Việt Nam. Vậy là có gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong để gói bánh chưng. Có thêm lọ dưa hành muối. Kẹo lạc, kẹo vừng... Đặc biệt là cành đào nhỏ vượt qua cả 4 chặng bay lớn để đến đón Tết trên nước bạn xa xôi.
Từng được đón Tết trên vùng chiến sự Abyei, Thiếu tá chuyên nghiệp Đỗ Thị Phượng nhớ lại: “Thời khắc Giao thừa xúc động lắm. Lá cờ Tổ quốc được treo trước bàn thờ. Có cả cành đào quê nhà. Các đơn vị bạn đến chúc mừng Việt Nam rất trang trọng. Rồi cùng cắt bánh chưng, thưởng thức món ăn của Việt Nam mình. Ai cũng khen ngon, lạ; trang phục truyền thống thì đẹp mắt. Thế là họ đề nghị chụp ảnh chung, cùng nhau giao lưu, ca hát, vừa hát bằng tiếng Việt, vừa có bạn dịch sang tiếng Anh... Nhưng tiệc tan cũng là lúc thấy nhớ nhà quay quắt, nhớ chồng, nhớ các con.”.
Khó có thể kể hết chuyện về những chiến sĩ quân y mũ nồi xanh đã và đang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó, rất đỗi tự hào có những người con của quê hương Vĩnh Phúc thân yêu. Và tôi tin rằng, dù ở thời đại nào, ở bất cứ nơi đâu, những người lính của quân đội Việt Nam anh dũng, kiên cường vẫn khắc sâu trong tim tình yêu Tổ quốc. Bóng quốc kỳ mãi luôn đồng hành cùng họ trên mỗi dặm đường xa. Có tình yêu ấy, niềm tự hào ấy, họ sẽ luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành sứ mệnh được giao phó; lưu lại những dấu ấn đẹp về đất nước và con người Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế, cũng như tại đất nước Nam Sudan và người dân sở tại.
Ghi chép của Hoàng Cúc
(Ảnh do nhân vật cung cấp)