Theo thống kê, hiện trên địa bàn xã Yên Dương, huyện Tam Đảo có 11 trang trại chăn nuôi được xây dựng và đang hoạt động trái phép trên đất lâm nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Tam Đảo, thời gian qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm trang trại chăn nuôi trên địa bàn.
Gia đình bà Phan Thị Hoan chủ động dừng chăn nuôi và tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.
Quyết liệt xử lý vi phạm
Trên cơ sở Kết luận số 03 của Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo về việc thanh tra công tác quản lý các trang trại chăn nuôi đối với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện giai đoạn từ 1/1/2020 đến 30/3/2023, để khắc phục tình trạng xây dựng trang trại trái phép trên đất lâm nghiệp tại địa bàn xã Yên Dương, UBND huyện Tam Đảo đề nghị địa phương tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra các trường hợp vi phạm xây dựng trang trại trên đất lâm nghiệp, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo quy định.
Kịp thời ngăn chặn, không để phát sinh trường hợp xây dựng trang trại trái phép trên địa bàn xã, đồng thời rà soát, hoàn thiện hồ sơ 11 hộ vi phạm, phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện xây dựng kế hoạch chi tiết vận động, tuyên truyền tự tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ điểm 2 công trình vi phạm.
Đối với các trường hợp còn lại, tổ chức lập, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm về đất đai, môi trường, chăn nuôi theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện xử lý theo quy định.
Khẩn trường tổ chức kiểm tra toàn diện đối với các hộ chăn nuôi đang hoạt động trên địa địa bàn xã, yêu cầu các hộ gia đình trên thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chỉ được phép hoạt động khi chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các hộ gia đình chăn nuôi quy mô trang trại trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Chăn nuôi và các văn bản pháp luật có liên quan.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Yên Dương Trương Đức Thọ cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Tam Đảo đối với việc xử lý vi phạm của các trang trại chăn nuôi đang hoạt động trái phép trên đất lâm nghiệp tại địa phương, ngày 10/10/2024, UBND xã Yên Dương đã có buổi làm việc với các chủ trang trại xây dựng chuồng trại chăn nuôi trái phép trên đất rừng sản xuất. Tại buổi làm việc, các chủ trang trại đều có ý kiến việc xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất là sai quy định. UBND xã đã lập biên bản và thông báo tháo dỡ các công trình vi phạm.
Ngày 14/10/2024, UBND xã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra những tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, môi trường đối với các trang trại chăn nuôi xây dựng trên đất rừng sản xuất tại đồi Tròn, thôn Yên Phú và đồi Vòng Kiềng, thôn Đồng Quán, xã Yên Dương.
Ngày 19/10/2024, các chủ trang trại vi phạm đã ký cam kết đối với UBND xã về việc dừng mọi hoạt động chăn nuôi, tự tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng sản xuất, đến hết tháng 12/2024 phải tự tháo dỡ xong.
“Tất cả các chủ trang trại đều nhận thức được việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động khi chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép là không đúng. Tuy nhiên, nhiều kiến nghị, đề xuất mong muốn các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2023 huyện Tam Đảo thành khu trang trại công nghệ cao xã Yên Dương”, Chủ tịch UBND xã Yên Dương Trương Đức Thọ chia sẻ.
Còn nhiều tâm tư
Sau khi được UBND xã Yên Dương tuyên truyền, vận động, ngày 20/10/2024, gia đình bà Phan Thị Hoan, thôn Đồng Quán, xã Yên Dương đã chủ động dừng chăn nuôi và tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Được biết, trang trại của gia đình bà Hoan được xây dựng từ năm 2021 với diện tích hơn 1 nghìn m2, quy mô chăn nuôi 850 con lợn.
Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Hoan cho biết: Nhận thức được việc xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp là vi phạm pháp luật, không chỉ riêng gia đình tôi mà các chủ công trình xây dựng vi phạm ở đây, sau khi được chính quyền tuyên truyền, vận động đều cam kết dừng hoạt động và tự tháo dỡ.
Tuy nhiên, cá nhân tôi mong muốn các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sớm có chủ trương, chính sách hỗ trợ để người dân có thể hợp thức hóa những diện tích đất không có hiệu quả canh tác, chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi. Có như vậy mới giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương”.
Không chỉ riêng bà Hoan, hầu hết các gia đình có trang trại khi làm việc với cơ quan chức năng đều bày tỏ nguyện vọng có chính sách hỗ trợ để hợp thức hóa những khu chăn nuôi nhằm tạo sinh kế để người dân địa phương phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình đề xuất cần thời gian để di chuyển số lượng lớn đàn lợn đang nuôi. Sau khi di dời sẽ tự tháo dỡ các công trình vi phạm.
Dẫn phóng viên đi thực tế tại một số trang trại được xây dựng trái phép trên địa bàn đã dừng hoạt động, chờ tháo dỡ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Dương Nguyễn Thế Anh chia sẻ: Yên Dương là xã miền núi xa trung tâm huyện Tam Đảo, điều kiện tự nhiên hạn chế, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân còn nhiếu khó khăn.
Dân cư chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, thiếu đất sản xuất, nhất là ở các thôn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn xã đã được giao cho các hộ dân nhưng hiện nay không phát huy hiệu quả, không có người quản lý, trông coi dẫn đến xảy ra tình trạng lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp, xây dựng trang trại chăn nuôi.
“Hầu hết những hộ gia đình xây dựng trang trại trái phép đều vay vốn 100% từ các ngân hàng. Với việc bắt buộc phải dừng chăn nuôi, tháo dỡ công trình vi phạm trong thời gian tới, nhiều hộ sẽ trắng tay, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần.
Đó là lý do chính quyền và người dân địa phương đều mong muốn sớm có những chính sách hỗ trợ, xem xét bổ sung danh mục đất cho chăn nuôi, đồng thời rà soát lại các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi thực sự phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn ở cơ sở, đảm bảo tính khả thi. Từ đó tạo điều kiện cho người dân địa phương tiếp tục sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Dương Nguyễn Thế Anh, đối với các trang trại chăn nuôi trái phép chưa được tháo dỡ trên địa bàn, thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không tiếp tục chăn nuôi lợn và tự tháo dỡ công trình. Nếu các trang trại không tự tháo dỡ, UBND xã sẽ hoàn thiện hồ sơ để xử lý hành vi vi phạm xây dựng chuồng trại trên đất rừng sản xuất.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ