Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Tam Dương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Từ đó hình thành những vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị nông sản, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
Trên địa bàn huyện Tam Dương hiện có 15 sản phẩm của các chủ thể được chứng nhận xếp hạng tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Từ khi triển khai chương trình OCOP, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc trưng. Từ đó tạo luồng gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần khơi dậy tiềm năng, khẳng định thương hiệu cho nông sản địa phương.
Dưa chuột Maya Hợp Hòa Farm của HTX Nông sản Tam Dương là một trong những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của huyện Tam Dương năm 2024.
Phấn đấu có từ 2 - 3 sản phẩm/năm được xếp hạng tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn, chính quyền các địa phương tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thế mạnh.
Đồng thời tập trung hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý kinh doanh; nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình... Đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu của chương trình OCOP đến các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh.
Được chứng nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao khi tham dự Chương trình OCOP từ năm 2022, đến nay, sản phẩm mì gạo của hộ kinh doanh Tuấn Thúy ở thôn 8, xã Hoàng Hoa không chỉ có sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng mà còn khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Xuất phát điểm của cơ sở sản xuất, kinh doanh là cung cấp mì gạo cho người dân địa phương với sản lượng chỉ từ 10 - 20kg/ngày. Trước mong muốn dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường, năm 2019, anh Vũ Văn Tuấn, chủ hộ kinh doanh đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích nhà xưởng lên 200m2 và mua sắm thêm nhiều thiết bị, máy móc để sản xuất mì gạo công suất lớn.
Bên cạnh đó, quy trình sản xuất được thực hiện nghiêm ngặt, từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, xay xát gạo đến thành phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm mì gạo do gia đình sản xuất đã đạt chứng nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện 3 năm sau đó.
Anh Vũ Văn Tuấn, chủ hộ kinh doanh cho rằng: Được gắn sao sản phẩm OCOP không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo dựng được thương hiệu riêng, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Tam Dương đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng đối với 8 sản phẩm của 3 chủ thể gồm HTX Nông sản Tam Dương, HTX Tân Hiền, cơ sở Trung Huy. Qua đánh giá, 100% sản phẩm của các chủ thể có số điểm đủ điều kiện đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.
Hộ kinh doanh Trung Huy ở tổ dân phố Đồng Ăng, thị trấn Kim Long là một trong những chủ thể được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện năm 2024 với 3 sản phẩm gồm tinh bột nghệ đỏ, viên tinh nghệ đỏ sữa ong chúa và viên hà thủ ô mật ong rừng.
Nhận thấy tại địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm từ hà thủ ô, mật ong, tinh bột nghệ… anh Bùi Công Trung, chủ hộ kinh doanh đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm như tinh bột nghệ, viên hà thủ ô… với mong muốn đưa những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp đến gần hơn người tiêu dùng.
Đến nay, các sản phẩm của hộ kinh doanh được phân phối trong tỉnh và một số địa phương lân cận, sản lượng tiêu thụ hơn 40 nghìn hộp/năm, đem lại doanh thu 1 tỷ đồng/năm.
Sản phẩm do gia đình sản xuất khi cung ứng ra thị trường đều được in nhãn, dán tem và có mã truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao đối với 3 sản phẩm tinh bột nghệ đỏ, viên tinh nghệ đỏ sữa ong chúa và viên hà thủ ô mật ong rừng là lợi thế rất lớn để cơ sở tạo dựng uy tín, thương hiệu và ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Tận dụng xu hướng gia tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, anh Trung xác định tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, mở rộng kênh phân phối và tiếp tục đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để khơi dậy tiềm năng, lợi thế và thúc đẩy phát triển nông sản địa phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Dương Trần Quốc Chí cho biết: Năm 2025, huyện phấn đấu có từ 2-3 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện và có ít nhất 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đó, huyện tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ thể, người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình OCOP; hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP có mặt trong các gian hàng trưng bày tại các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quảng bá, kinh doanh sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử…
Bài, ảnh: Ngọc Lan