Sản xuất vụ Đông được cho là khó khăn nhất trong năm bởi thiếu hụt lực lượng lao động; giá trị kinh tế cây trồng thấp, chủ yếu là ngô, khoai phục vụ làm thức ăn chăn nuôi, trong khi giá cả vật tư tăng cao. Với định hướng mở rộng tối đa diện tích gieo trồng, huyện Tam Đảo đã tích cực triển khai sản xuất vụ Đông, phấn đấu đạt hơn 1.000 ha, trong đó chú trọng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Su su là cây trồng chủ lực
Ngay từ tháng 9, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Đảo đã hoàn thành thu hoạch lúa mùa, giải phóng đất để tập trung sản xuất vụ Đông. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, bà con nông dân đã chuẩn bị các loại giống, vật tư và xuống giống trồng rải vụ những loại rau ưa lạnh như su su, ngô, khoai lang, lạc, đậu tương, đỗ…
Tại thôn Đồng Thanh, xã Hồ Sơn, su su vẫn được nông dân lựa chọn là cây trồng chủ lực với 18 ha, bên cạnh đó trồng xen kẽ các loại rau màu khác như ớt, rau bí, rau cải Hồng Kông.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đảo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây vụ Đông cho nông dân.
Su su hiện đang là cây rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nơi đây. Loại cây ưa lạnh này được trồng tập trung từ tháng 9 âm lịch hàng năm, sau khoảng hai tháng sẽ cho thu hoạch, khai thác ngọn trong thời gian 6 - 7 tháng. Giá trị kinh tế của cây su su ước tính cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa trong cùng điều kiện thổ nhưỡng vùng chân núi Tam Đảo. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên phần nào làm chậm tiến độ trồng cây su su so với mọi năm.
Ông Trần Quang Thân, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Đồng Thanh chia sẻ: “Do ảnh hưởng của bão số 3, giá giống su su nhập ở Mộc Châu tăng lên rất cao. Đến nay, diện tích trồng su su tại địa phương chưa được phủ kín và người dân đang tiếp tục trồng. Đối với những nhà trồng sớm, su su đã leo giàn và cho thu hoạch. Trong 18 ha trồng rau su su tại địa phương, có hơn 7 ha được trồng theo chương trình VietGAP; đối với diện tích còn lại, bà con đang thực hiện bón phân hữu cơ cho cây”.
Vụ Đông năm nay, huyện Tam Đảo phấn đấu gieo trồng hơn 1.000 ha. Trong đó chủ lực là rau xanh, sau đó là ngô, khoai lang, lạc, đậu tương, khoai sọ và hoa các loại...
Nông dân thôn Đồng Thanh chăm sóc cây vụ Đông.
Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, cây giống và vật tư
Trước khi bước vào vụ sản xuất, địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo phương án sản xuất, hướng dẫn nông dân gieo trồng theo lịch thời vụ với cơ cấu giống phù hợp. Tập trung chăm sóc để cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, tăng sức chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất lợi, giảm chi phí thuốc trừ sâu.
Bố trí thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do ảnh hưởng bất thường của thời tiết như rét đậm, rét hại, ngập úng… để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Địa phương chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn nông dân sản xuất, bám sát khung thời vụ và diễn biến thời tiết để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp; áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, gieo trồng để tranh thủ thời vụ, phát triển các loại cây ưa lạnh lợi thế, có khả năng bảo quản dài và thị trường tiêu thụ tốt, ưu tiên sử dụng cây ngắn ngày. Đồng thời tăng cường kiểm tra công tác phòng trừ sinh vật gây hại, đảm bảo an toàn tuyệt đối mùa vụ.
Huyện Tam Đảo chú trọng mở rộng diện tích cây trồng cho giá trị kinh tế cao như su su, ớt.
Bà Đặng Thị Quỳnh Nga, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đảo cho biết: “Trong quá trình làm đất, chúng tôi khuyến cáo bà con nên sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh kết hợp với các loại nấm đối kháng tốt hoặc phun các chế phẩm để xử lý các loại phân chuồng. Do đầu vụ Đông mưa nhiều nên một số cây trồng sẽ phải trồng muộn hơn. Đối với diện tích cây vụ Đông chưa trồng sẽ chuyển sang cây ăn lá ngắn ngày, không nên trồng cây dài ngày như mọi năm”.
Cùng với hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, huyện Tam Đảo còn triển khai chính sách hỗ trợ giống, phân bón cho các vùng trồng ớt, trồng rau ăn lá ở các xã Yên Dương, Đạo Trù với diện tích hàng chục ha.
Với sự chủ động, linh hoạt trong triển khai các biện pháp tổ chức sản xuất, đến nay, diện tích gieo trồng cây vụ Đông ở huyện Tam Đảo đạt gần 80% so với kế hoạch.
Các xã, thị trấn vẫn tiếp tục chỉ đạo sản xuất, phấn đấu bảo đảm về khung thời vụ và diện tích gieo trồng, góp phần hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra để ổn định kinh tế - xã hội và sinh kế cho người dân nông thôn.
Bài, ảnh: Hà Trần