Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 45 của Chính phủ về khuyến công, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã dành nhiều nguồn lực triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, mang lại những hiệu quả thiết thực. Để nguồn vốn hỗ trợ khuyến công của tỉnh phát huy hiệu quả hơn nữa, cần có sự điều chỉnh kịp thời các nội dung hỗ trợ theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của công tác khuyến công trong tình hình mới.
Thực hiện Nghị định số 45 của Chính phủ về khuyến công và Thông tư số 28/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công, ngày 31/7/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 31 về Quy chế quản lý kinh phí khuyến công và mức chi cụ thể đối với các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Qua đó, tạo nền tảng pháp lý quan trọng để các ngành, địa phương trong tỉnh căn cứ, triển khai hiệu quả các nội dung và mức chi cụ thể cho hoạt động khuyến công.
Theo đó, hằng năm tỉnh đã bố trí khoảng 7,5 tỷ đồng hỗ trợ cho các nội dung theo Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, giúp nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến công nghệ, áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng thời nâng cao năng lực quản lý và tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tạo nền tảng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, góp sức vào quá trình xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn.
Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công của tỉnh, Công ty TNHH Bao bì Atlantic, thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) có thêm nguồn lực đầu tư dây chuyền, máy móc, mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Nguyễn Lượng
Hoạt động hỗ trợ khuyến công đã góp sức vào triển khai bình chọn các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và quốc gia, góp phần tạo điều kiện để các sản phẩm CNNT khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và từng bước vươn ra các thị trường quốc tế.
Cơ chế khuyến khích và hỗ trợ sản xuất sạch hơn đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm đáng kể lượng phát thải tại các cơ sở CNNT, cải thiện chất lượng môi trường ở các địa phương trong tỉnh.
Có thể khẳng định, Quyết định số 31 của UBND tỉnh có vai trò rất quan trọng và cần thiết, nhằm thống nhất về nội dung, định mức hỗ trợ khuyến công và khả năng bố trí ngân sách của địa phương cho hoạt động khuyến công hằng năm.
Tuy nhiên, từ ngày 18/10/2024, khi Thông tư số 64/2024 của Bộ Tài chính có hiệu lực thì căn cứ pháp lý trực tiếp để ban hành quy định mức chi cụ thể cho hoạt động khuyến công tại Quyết định số 31 của UBND tỉnh không còn hiệu lực thi hành, đòi hỏi phải điều chỉnh các nội dung hỗ trợ theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu thực tiễn của công tác khuyến công, góp phần phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ.
Trên cơ sở đó, ngày 27/9/2024, Sở Công thương đã có Tờ trình số 52 đề nghị UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức chi cụ thể cho các hoạt động khuyến công tỉnh Vĩnh Phúc, dự kiến thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh vào cuối năm 2024, nhằm tạo điều kiện cho công tác khuyến công được triển khai kịp thời trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết với một số nội dung thay đổi so với trước đây. Cụ thể, nghị quyết mới ban hành sẽ chỉ quy định mức chi cụ thể theo thẩm quyền của HĐND tỉnh đối với 22 nội dung chi được giao chi tiết tại Thông tư số 28 của Bộ Tài chính.
Định hướng mức chi cụ thể cho từng hoạt động khuyến công của tỉnh dự kiến xây dựng trình HĐND tỉnh cơ bản được giữ nguyên như mức đã quy định tại Quyết định số 31 của UBND tỉnh và tương đương với mức chi được quy định tại Thông tư số 28 của Bộ Tài chính.
Về nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động khuyến công trong giai đoạn mới sẽ được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh, các nguồn tài chính hợp pháp khác và lồng ghép với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.
Dự kiến, ngân sách tỉnh sẽ dành hơn 7,8 tỷ đồng chi cho các hoạt động hỗ trợ khuyến công năm 2025 và dành khoảng 10,5 tỷ đồng/năm để hỗ trợ cho hoạt động khuyến công trong giai đoạn 2026 - 2030.
Việc sớm ban hành nghị quyết quy định mức chi cụ thể cho hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công Từ trung ương tới địa phương.
Đồng thời phát huy hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động khuyến công. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đối với hoạt động khuyến công.
Từ đó, giúp các cơ sở CNNT lựa chọn hướng đầu tư đúng và hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý cũng như sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Sơn