Nâng cao tính chủ động, thể hiện trách nhiệm, chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp (DN), thời gian qua, ngành Ngân hàng đã đề ra nhiều giải pháp để kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, qua đó, khẳng định là kênh tiếp vốn quan trọng, hiệu quả giúp DN tiếp cận vốn vay hợp lý, ưu đãi để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất.
Nhân viên BIDV Vĩnh Phúc tư vấn gói vay ưu đãi, sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Với phương châm luôn đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, không để DN nào có phương án kinh doanh tốt mà thiếu vốn, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, chương trình bình ổn thị trường để tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Đến hết tháng 9, NHNN tỉnh đã tổ chức 6 hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó giúp ngân hàng đưa vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra.
Thông qua chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho vay mới và cho vay cơ cấu lại đối với 1.450 DN với dư nợ đạt hơn 19.800 tỷ đồng.
Đến hết tháng 8/2024, tổng nguồn vốn huy động toàn tỉnh đạt hơn 126.238 tỷ đồng, tăng 11,25% so với cùng kỳ năm 2023; tổng dư nợ cho vay đạt hơn 134.602 tỷ đồng, tăng 13,45% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Hoàng Duy Chinh, Giám đốc NHNN tỉnh cho biết: Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã phát huy tác dụng tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN giảm chi phí, từng bước ổn định vốn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở ra cơ hội đầu tư phát triển...
Chương trình đã nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương; các sở, ban, ngành thường xuyên phối hợp cùng ngành Ngân hàng đối thoại, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và thị trường.
Các TCTD thường xuyên triển khai các giải pháp giảm lãi suất cho vay; đưa ra các chương trình tín dụng linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng; thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường và các chính sách của Nhà nước để kịp thời có giải pháp phát triển kinh doanh và hỗ trợ vốn cho DN.
Theo đó, dư nợ cho vay DN đến hết tháng 8/2024 ước tăng 5,47% so với cuối năm 2023 (tốc độ tăng cao hơn tăng trưởng dư nợ toàn ngành).
Để có được kết quả trên, ngành Ngân hàng đã chủ động rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng.
Chủ động triển khai, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số.
NHNN tỉnh thường xuyên chỉ đạo, giám sát các TCTD triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, DN; tập trung tối đa nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, tạo điều kiện tối đa cho DN trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khi có phương án kinh doanh tốt.
Các TCTD đã chủ động rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu, bảo đảm số liệu khách quan, thực chất; thường xuyên tăng cường công tác xử lý nợ xấu, kiểm soát chất lượng tín dụng.
Theo lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) trên địa bàn tỉnh, để tăng cường sự kết nối, các đơn vị thường xuyên tổ chức hội thảo, làm việc theo nhóm các DN cùng ngành như sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất linh kiện điện tử, bất động sản… để đồng hành, chia sẻ, từ đó xây dựng các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Tư vấn các gói giải pháp chuyển đổi số nhằm tiết giảm chi phí, thời gian cũng như gia tăng tiện ích cho khách hàng như giải ngân online, bảo lãnh online, dịch vụ kết nối ERP…
Các chi nhánh đều công khai lắp đặt mã QR ghi nhận ý của khách hàng để phản ánh kịp thời đến lãnh đạo chi nhánh, các phòng ban nghiệp vụ liên quan. Sau khi nhận được ý kiến phản ánh của DN, các đơn vị sẽ thực hiện xử lý các khó khăn, vướng mắc cho khách hàng kịp thời, kết hợp đề xuất giải pháp cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ được tốt hơn.
Đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, ngành Ngân hàng, các DN cần xây dựng, duy trì hệ thống kế toán chặt chẽ, đảm bảo báo cáo tài chính minh bạch, chuẩn mực kế toán và quy định của pháp luật.
Một hồ sơ tài chính rõ ràng sẽ giúp DN tạo được sự tin tưởng từ phía ngân hàng, gia tăng khả năng được phê duyệt vay vốn. Cùng đó, DN cần tạo dựng và duy trì lịch sử tín dụng tốt với ngân hàng.
Việc chia sẻ chi tiết với ngân hàng các dự định kinh doanh, các dự án sắp triển khai cũng như các khó khăn trong quá trình kinh doanh sẽ giúp DN nhận được sự hỗ trợ tốt hơn, cũng như tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi từ phía ngân hàng.
DN cần phát triển các kế hoạch kinh doanh/dự án chi tiết thể hiện rõ chiến lược phát triển nội tại của mình, khi đó, ngân hàng sẽ luôn đánh giá cao những đơn vị có tầm nhìn chiến lược rõ ràng.
Việc phối hợp với ngân hàng sử dụng các sản phẩm chuyển đổi số, kết nối hệ thống cũng sẽ giúp DN được ngân hàng đánh giá cao trong khả năng tiếp cận xu hướng và minh bạch thông tin, từ đó khả năng tiếp cận vốn sẽ tốt hơn.
Thành An