Sáng 17/9, trong chuỗi các sự kiện chào mừng 75 năm truyền thống, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai trương "Mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh", khởi động tiến trình chuyển đổi số toàn diện Học viện và đưa vào vận hành, hoạt động trong thời gian tới đây.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện. Ảnh tư liệu: TTXVN
Tại Lễ khai trương, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh, Dự án "Xây dựng mô hình quản trị Học viện thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh" là dự án trọng điểm, hướng tới chào mừng kỷ niệm 75 năm truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; là hoạt động chuyển đổi số toàn diện mọi mặt trên toàn hệ thống Học viện, từ đó không những nâng cao vai trò và vị thế của mình mà còn tạo ra một hình mẫu trong các hoạt động dựa trên công nghệ số.
Để mô mô hình quản trị học viện thông minh đi vào hoạt động thực chất, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Ban Quản lý "Dự án xây dựng mô hình quản trị Học viện thông minh" tiếp tục sát sao, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động triển khai trong suốt quá trình hoàn thiện dự án, đưa vào vận hành trên toàn hệ thống Học viện đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
Dự án "Xây dựng mô hình quản trị Học viện thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh" được thực hiện trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục quan trọng từ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đến xây dựng hệ thống phần mềm thông minh, cơ sở dữ liệu lớn, phục vụ toàn diện tất cả các mặt công tác và có quy mô triển khai trên toàn hệ thống Học viện (bao gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tại 4 thành phố trên cả 3 miền đất nước Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đây được xác định là dự án trọng điểm với 4 mục tiêu quan trọng: đầu tư xây dựng hệ thống nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, ổn định, đạt chuẩn quốc tế, liên thông trên toàn hệ thống Học viện, có thể kết nối, trao đổi với các hệ thống trong và ngoài nước; ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản trị thông minh trên mọi mặt công tác của Học viện; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong toàn hệ thống, đáp ứng giải pháp chuyển đổi số thống nhất, đồng bộ, tiên tiến, hiện đại nhằm đổi mới phương thức và chất lượng giáo dục, đào tạo; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các vấn đề chiến lược.
Trải qua gần 3 năm chuẩn bị đầu tư, gần 9 tháng thi công liên tục, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự giúp đỡ phối hợp hiệu quả của các Bộ, ban, ngành và các cơ quan có liên quan, các đối tác, sự trách nhiệm tận tâm của các nhà thầu, đến nay các hạng mục cơ bản, cốt lõi, quan trọng nhất của dự án đã cơ bản hoàn thành và bắt đầu bước vào giai đoạn triển khai hoạt động thực tế.
Xuân Hòa (Theo TTXVN)