Đã 79 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và 55 năm Người về với thế giới người hiền, chưa bao giờ, ở đâu và khi nào người Việt Nam không nguôi nhớ Bác, nhớ tất cả những gì liên quan đến Bác.
Nỗi nhớ, niềm yêu kính Bác được mọi thế hệ con cháu người Việt ghi lòng tạc dạ và thể hiện cụ thể bằng nhiều lời nói, việc làm thiết thực.
Tết Độc lập là một trong những dịp như thế. Ngay bản thân ngày Quốc khánh 2/9 đã được con dân Việt Nam gọi bằng cái tên rất đỗi dung dị nhưng đầy sâu lắng là Tết Độc lập để bày tỏ tình cảm uống nước nhớ nguồn, không bao giờ quên được những ngày đầu lập nước gian nan dưới bàn tay chèo lái tài tình của Đảng mà Bác là người sáng lập.
Những ngày này, người Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc cũng như hàng triệu kiều bào ta ở nước ngoài ai ai cũng hân hoan vui đón Tết Độc lập.
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, hàng vạn du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về thị trấn Tam Đảo - điểm đến hàng đầu thế giới vui Tết Độc lập.
Từ những cái Tết Độc lập đầu tiên đầy gian khổ thủa ban đầu lập nước, lúc hiểm nguy khi hai miền đất nước còn cắt chia hay những ngày bao cấp thiếu thốn khó khăn chưa xa, nay cả nước đã có thể ngẩng cao đầu báo công dâng Bác, rằng chưa bao giờ đất nước Việt Nam của Người lại có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay…
Đón Tết Độc lập trong ấm no, hạnh phúc và toàn vẹn lãnh thổ như bây giờ, hẳn chúng ta không bao giờ có thể quên được những lời Người căn dặn trong bản di chúc 55 năm trước.
Như nói về trách nhiệm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh mình luôn có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Theo Người, độc lập, tự do chỉ là bước đầu tiên để hướng đến mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc của nhân dân. Do đó Người khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Nhân dân chỉ hiểu được giá trị của hạnh phúc, tự do khi trước hết họ được ăn no, mặc đủ.
Người cho rằng nhân dân là nguồn sức mạnh to lớn của Đảng. “Dựa vào dân thì việc gì, dù khó đến đâu cũng có thể làm được”. Do đó, chăm lo cho nhân dân chính là cách để tăng cường sức mạnh của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải lấy tiêu chí lợi, hại cho dân làm tiêu chí hành động và thước đo cho một Đảng cách mạng chân chính.
Bác dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Đảng lo cho dân trước hết là lo những nhu cầu thiết yếu, như ăn, mặc, ở sau đó đến những nhu cầu tinh thần.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách chống giặc đói, giặc dốt, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển văn hóa là để thực hiện một cách thiết thực việc chăm lo đời sống cho nhân dân. Sự thống khổ của nhân dân là nỗi thống khổ của Người và hạnh phúc của nhân dân chính là hạnh phúc của Người: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Câu nói mộc mạc của Người mà chất chứa ý nghĩa sâu xa, khái quát được toàn bộ những nội dung cốt yếu trong mối quan hệ giữa Đảng với dân, đó là “Đảng phải hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phải thấu hiểu rằng lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng”.
6 năm trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Vĩnh Phúc (1963) từng mong muốn Vĩnh Phúc sẽ thành một trong những tỉnh phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta. Kết hợp với di huấn của Người trong di chúc về trách nhiệm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, những năm qua Vĩnh Phúc đã thực hiện được lời căn dặn của Người khi trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, có số thu ngân sách hằng năm cao hàng đầu các tỉnh miền Bắc.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc luôn lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển, với phương châm tỉnh phát triển thì người dân phải thực sự được hưởng mọi thành quả từ sự phát triển ấy, chứ không phải chỉ được hưởng trên giấy hay qua các số liệu báo cáo.
Những thành quả đầy khích lệ có thể kể đến như toàn tỉnh không còn nhà tranh tre nứa lá, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu; thu nhập bình quân đầu người (GRDP) của tỉnh liên tục tăng trưởng, có thời điểm vượt gần 2 lần so với mức bình quân của cả nước và tăng hơn 50 lần so với năm đầu tái lập (1997)…
Đón tết này ta nhớ tết xưa. Vui Tết Độc lập, muôn triệu con tim Việt Nam nhớ mãi ơn Người!
Bài, ảnh: Quang Nam