Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và ngành chức năng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ về vật chất, tinh thần nhưng những người làm công tác xã hội hiện nay vẫn cần hơn nữa sự nhìn nhận khách quan, chia sẻ của cộng đồng xã hội về ngành nghề đặc thù này.
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thường xuyên thăm, khám sức khỏe cho những người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đơn vị.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, có chức năng tư vấn, chăm sóc những người thuộc diện bảo trợ xã hội; chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho những người cần trợ giúp xã hội và thực hiện các dịch vụ liên quan đến công tác xã hội trên địa bàn.
Hiện nay, trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp cho 109 người thuộc diện bảo trợ xã hội và 12 người tự nguyện; can thiệp, hỗ trợ chăm sóc cho 15 trẻ mắc hội chứng tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.
Số người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm đông nhưng tổng số cán bộ, nhân viên nơi đây chỉ có 37 người. Bởi tính đặc thù của nghề nghiệp, nếu những người làm công tác xã hội không có tâm thì khó có thể cống hiến hết mình cho công việc mà họ đã gắn bó bấy lâu nay. Và những lời tâm sự về những khó khăn, vất vả nhưng vẫn thấm đượm tình yêu thương đối với những người yếu thế, dễ bị tổn thương giúp chúng tôi phần nào hiểu được nỗi nhọc nhằn mà họ đã trải qua.
Cô giáo Nguyễn Thị Vân cho biết: Tại cơ sở 2 của trung tâm đang tổ chức can thiệp thường xuyên cho 15 trẻ mắc hội chứng tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Việc chăm sóc, dạy trẻ tự kỷ khó gấp nhiều lần so với học sinh bình thường, bởi các em có nhiều hạn chế trong việc bày tỏ cảm xúc, mong muốn bằng lời.
Vì vậy, hằng ngày, giáo viên phải mềm mỏng, tìm cách ứng xử phù hợp với từng học sinh, bởi mỗi em có tính cách, triệu chứng tự kỷ khác nhau. Các cô giáo ở trung tâm kiêm luôn vai trò người mẹ của các cháu, lo lắng cho các cháu từ khâu vệ sinh, ăn uống, trông chừng và kịp thời can thiệp những lúc trẻ bị kích động.
Dẫu biết nghề nghiệp nào cũng có những khó khăn nhất định, nhưng đối với nghề công tác xã hội thì ngoài những kỹ năng đã được đào tạo, cần có trái tim tràn đầy yêu thương.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc can thiệp trợ giúp những người yếu thế trong xã hội, ông Lê Hoài Nam, Trưởng Phòng Tư vấn, trợ giúp và phát triển cộng đồng cho biết: Chức năng chính của phòng là tư vấn, tiếp nhận những người yếu thế cần bảo vệ khẩn cấp. Trong đó, đánh giá, sàng lọc và phân loại các trường hợp cụ thể; bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp như nơi cư trú tạm thời, thức ăn, quần áo, đi lại.
Ngoài ra, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất của từng người thuộc diện bảo trợ xã hội. Tư vấn và trợ giúp người thụ hưởng các chính sách trợ giúp; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp, tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc.
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi. Tổ chức các hoạt động chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho những người đang được trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trong quá trình trợ giúp, nhân viên công tác xã hội phải trực tiếp làm việc với những người cần hỗ trợ khẩn cấp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến sức khoẻ. Bởi không ít người cần trợ giúp có thể mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội hay có hành vi chống đối, bạo lực. Nếu không thực sự yêu nghề, những nhân viên làm công việc này khó có thể gắn bó lâu dài.
Mặc dù mới làm việc tại trung tâm, nhưng anh Trần Bá Quyền, y sĩ đa khoa, Phòng Quản lý đối tượng - Y tế phục hồi chức năng lưu giữ nhiều kỷ niệm khó quên bởi hằng ngày thăm khám sức khỏe cho các cụ già đến trẻ nhỏ nơi đây.
Anh Quyền chia sẻ, khi vào làm việc tại trung tâm, nếu chỉ có kiến thức chuyên môn, đạo đức, sự tận tình thì chưa đủ, mà cần phải khéo léo, mềm mỏng, hiểu rõ tâm lý của từng người. Mỗi người một tính nết nên tôi luôn cố gắng trau rồi kiến thức, đúc rút kinh nghiệm để hoàn thành công việc tốt nhất.
Công việc khó khăn, vất vả nhưng có lúc chúng tôi vẫn bị các cụ già, em nhỏ trách mắng. Không vì thế mà tủi thân, bằng tình thương yêu và sự thấu hiểu của mình, chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao.
Công tác xã hội là một nghề đòi hỏi những người làm nghề phải có kiến thức, tâm lý vững vàng, những kỹ năng mềm nhất định, khả năng kiên nhẫn cao mới có thể đáp ứng được công việc.
Những người làm nghề công tác xã hội còn nhiều vất vả. Nhưng bằng cái tâm, sự tận tụy với nghề, ở họ vẫn cháy lên niềm tin yêu con người, hàng ngày miệt mài cống hiến, góp phần xây dựng xã hội an bình, phát triển, văn minh.
Bài, ảnh: Thành An