Không chỉ là di tích cấp tỉnh, theo các cụ cao tuổi ở xã Tân Phú, huyện Vĩnh Tường, ngôi đình Dẫn Tự cổ xưa còn có dấu tích lịch sử cách mạng nên được nhân dân địa phương trân trọng. Trải qua biến cố thăng trầm của thời gian, đình Dẫn Tự đang xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khiến người dân trăn trở; nhiều năm mong ngóng công trình sớm được đầu tư kinh phí để mở rộng, tôn tạo mới.
Về xã Tân Phú hôm nay, sự đổi mới của một vùng quê nông thôn cho thấy đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân địa phương ngày càng được nâng cao. Đó là những nếp nhà cao tầng khang trang san sát nhau, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, tạo tổng quan kiến trúc làng quê đẹp, văn minh. Duy chỉ có ngôi đình Dẫn Tự chưa được tôn tạo, trông như khu phế tích bị bỏ hoang, xập xệ, rêu phong khiến nhân dân địa phương trăn trở.
Đình Dẫn Tự như khu phế tích.
Đình Dẫn Tự tọa lạc trên địa thế đất đẹp. Khu vực này có 3 cây cổ thụ, trong đó 2 cây trôi và đa được công nhận là cây di sản Việt Nam. Đình thờ thành hoàng làng và thần Cao Sơn; có các hạng mục nhà Tiền tế (Đại Bái), Hậu cung, Hữu vu, Tả vu, sân, nhà bếp, cổng...
Về niên đại khởi dựng, theo nguồn tư liệu hiện còn và qua lời kể của các cụ cao niên trong thôn, đình có từ cuối thế kỷ XVII, kiến trúc kiểu chữ Đinh, mang đậm nét tinh hoa nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống.
Ông Nguyễn Trọng Khanh, Phó Ban di tích kiêm thủ từ đình Dẫn Tự chia sẻ: “Ngoài là nơi hội họp của dân làng, ngày trước, đình còn là nơi dạy chữ quốc ngữ, dạy học. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, biến động của thời gian cùng với chiến tranh tàn phá, ngôi đình cổ xưa không còn được nguyên vẹn. Toàn bộ tòa Đại bái bị hỏng, năm 1996, nhân dân địa phương đã tiến hành xây dựng lại, đến nay công trình xuống cấp trầm trọng”.
Bát hương lênh láng nước do trần bị dột.
Điều khiến dân làng trăn trở hơn hết là phần mái đình bị sụt vỡ, dột võng trông thấy. Mỗi lần mở cửa Hậu cung, các cụ cao tuổi của thôn Dẫn Tự không khỏi xót xa khi thấy bát hương thờ thành hoàng làng lênh láng nước, chân hương lụi hết.
Khu vực thờ tượng Bác Hồ trong nhà Đại bái cũng có 1 vũng nước to, chưa kịp khô do mưa to bị ngấm, dột. Toàn bộ phần mái đình dù đã được gia cố bạt nhưng lâu ngày cũng bị mủn, rách nên hổng lỗ chỗ, lộ cả ánh sáng mặt trời.
Rêu, rễ cây bám đầy tường.
Ngoài ra, các góc tường, nền nhà, hành lang cũng phủ một lớp rêu phong, rễ và cành cây leo bám chằng chịt trên tường, mái đình. Những cánh cửa sổ mục nát, không còn chức năng che chắn mưa, nắng; mái ngói vỡ, xô lệch trông thảm hại.
Mặc dù được gia cố bạt nhưng mái đình vẫn hổng lỗ chỗ.
Theo biên bản thẩm định, đánh giá của các cơ quan chuyên môn, đình Dẫn Tự xuống cấp hơn 80%. Cụ thể, mái Hậu cung bị thấm dột; hoành phi, câu đối, bát bửu, ngai, án giang... bị mối mọt, mủn, mục; nhà Hữu vu mái võng dột, ngói xô, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; nhà Tả vu cũng xuống cấp trầm trọng.
Mái nhà Hữu vu bị vỡ, hổng một khoảng trống lớn.
Mặc dù ngôi đình cổ đã xuống cấp, một số hạng mục cần có giải pháp khắc phục kịp thời, nhưng theo Trưởng thôn Dẫn Tự, cái khó khăn lớn nhất hiện nay là việc cải tạo cũng cần phải có sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền bởi đây là di tích cấp tỉnh.
Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết tại đình vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa tín ngưỡng như tế, lễ và sinh hoạt cộng đồng, quy mô hàng trăm người. Do đó, nhân dân mong muốn đình Dẫn Tự sớm được tỉnh quan tâm, đầu tư kinh phí để mở rộng khuôn viên, tu bổ, tôn tạo lại.
Cửa sổ mục nát, không còn chức năng che chắn mưa gió.
Được biết, trong các năm 2022 và 2023, UBND xã Tân Phú và UBND huyện Vĩnh Tường đã có tờ trình các cấp có thẩm quyền đối với các nội dung nêu trên để xin chủ trương thực hiện dự án. Theo lãnh đạo Phòng VH-TT&DL huyện Vĩnh Tường, hiện nay, các quy trình cơ bản đã hoàn thành, địa phương đang chờ Sở VH-TT&DL về thẩm định, có báo cáo đánh giá trình UBND tỉnh chủ trương đầu tư trùng tu.
Việc đình Dẫn Tự xuống cấp trầm trọng, nguy cơ mất an toàn thì giải pháp đầu tư tu bổ, tôn tạo là cần thiết, nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng. Đồng thời góp phần đồng bộ quy hoạch, tăng cường sự liên kết các chuỗi di tích, vừa thúc đẩy du lịch phát triển, vừa phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương.
Bài, ảnh: Hà Trần