Thời gian qua, nhiều vụ mua bán ma túy trong học sinh với các phương thức, thủ đoạn mới tinh vi đã bị các lực lượng chức năng của Vĩnh Phúc cũng như trên địa bàn cả nước đấu tranh triệt phá. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ ma túy xâm nhập học đường ngày càng lớn nếu như không kịp thời có các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm, từ xa.
Triển khai công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy, bằng các biện pháp nghiệp vụ, vào hồi 18 giờ 30 phút ngày 22/4, Công an huyện Bình Xuyên đã kiểm tra, phát hiện H.N.H, sinh năm 2008, thôn Tam Lộng, xã Hương Sơn (Bình Xuyên) và T.T.T, sinh năm 2006, tại thôn Đầu Vai, xã Minh Quang (Tam Đảo) có hành vi mua bán trái phép chất ma túy tại ven Đường tỉnh 302 đối diện nghĩa trang liệt sĩ xã Hương Sơn.
Đáng chú ý, cả hai đối tượng trên đang là học sinh của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Xuyên. Do chơi bời lêu lổng, thiếu tiền tiêu xài, H và T đã tìm kiếm trên mạng xã hội và mua các lọ tinh dầu cần sa (dạng cần sa tổng hợp) mang về nhà sang chiết vào các lọ nhỏ để bán cho các đối tượng có nhu cầu, chủ yếu là thanh, thiếu niên, học sinh trong khu vực. Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Bình Xuyên mở rộng điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Công an thành phố Vĩnh Yên lấy lời khai của Đinh Công Hạnh, đối tượng chuyên bán cần sa cho thanh, thiếu niên, học sinh.
Trước đó, vào hồi 15 giờ 40 phút ngày 5/1/2023, Công an thành phố Vĩnh Yên cũng đã bắt quả tang Đinh Công Hạnh, sinh năm 2002 ở phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) đang có hành vi bán trái phép chất ma túy (loại cần sa) cho một số đối tượng tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành, phường Tích Sơn.
Tang vật thu giữ gồm 2 gói nilon bên trong có chứa các sợi thực vật màu nâu, vàng, Đinh Công Hạnh khai là cần sa. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Hạnh, cơ quan công an thu giữ 1 túi giả da màu đen bên trong có 4 gói nilon các loại chứa các sợi thực vật màu nâu, vàng; 2 cân tiểu ly điện tử cùng số tiền 20 triệu đồng.
Qua giám định của cơ quan chuyên môn xác định, tổng khối lượng của các sợi thực vật thu giữ của Hạnh là 740,19g đều có chứa chất ADB-4en PINACA. Đây là một loại ma túy mới xuất hiện ở Việt Nam và có tác dụng gây ảo giác tương tự chất ma túy Delta9-THC có trong cần sa.
Tại cơ quan điều tra, Hạnh đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm. Trước đó, qua nắm bắt địa bàn, Công an thành phố Vĩnh Yên phát hiện một số em học sinh THPT, học sinh trường nghề trên địa bàn đã sử dụng loại ma túy này dẫn đến ảo giác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nên đã mở chuyên án điều tra, xác minh.
Theo các cơ quan chức năng, tội phạm, tệ nạn ma túy ngày càng có xu hướng trẻ hóa, các đối tượng buôn bán ma túy hiện nay nhắm vào các học sinh, sinh viên, những người năng động, thích khám phá, nhưng chưa có nhận thức đầy đủ về nguy cơ, tác hại vô cùng nghiêm trọng của ma túy.
Ngoài phương thức buôn bán truyền thống, để “đánh lừa”, dụ dỗ, lôi kéo học sinh sử dụng ma túy, các đối tượng buôn bán ma túy có thể nghiền nhỏ, chế biến rồi trộn ma túy với bánh kẹo, thực phẩm, các loại đồ uống sau đó đóng thành túi, chai thành phẩm bán cho học sinh.
Các đối tượng cũng có thể mua các loại tinh dầu cần sa, tinh dầu chứa chất gây nghiện, chất hướng thần rồi san chiết, chế biến thành những lọ tinh dầu sử dụng cho thuốc lá điện tử và dùng mạng xã hội để quảng cáo, giao bán online khiến cho việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn…
Do vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn việc sử dụng ma túy trong giới trẻ, cũng như trong học đường cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh; giáo dục cho học sinh kỹ năng phòng chống ma túy, kỹ năng nhận biết các tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà trường, giáo viên trong việc ngăn chặn học sinh vi phạm, sử dụng ma túy; thường xuyên quản lý, kiểm tra, rà soát, giáo dục học sinh để các em nhận diện đúng, đủ và tự giác tránh xa ma túy.
Tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh về phòng, chống ma túy; kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tinh thần học tập, rèn luyện của học sinh để có phương án giải quyết hiệu quả.
Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động ngoại khóa lành mạnh kết hợp với tuyên truyền phòng, chống ma túy để thu hút học sinh, thanh thiếu niên tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước tội phạm, tệ nạn ma túy cho học sinh…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh