Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm phát huy sức mạnh công nghệ số, tạo chuyển biến trong quản lý, điều hành, cải thiện dịch vụ công, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn việc làm qua trang điện tử vieclamvinhphuc.gov.vn cho người lao động. Ảnh: Trà Hương
Thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh về công tác chuyển đổi số, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành các kế hoạch, chương trình cụ thể về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số toàn diện.
Sở tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giao dịch điện tử, chữ ký số và ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động của ngành; tuân thủ quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản điện tử trên các phần mềm quản lý chuyên dụng...
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Vĩnh Phúc kết nối liên thông hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu phần mềm Bảo trợ xã hội với phần mềm Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và Dịch vụ công trực tuyến quốc gia.
Đồng thời phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã cập nhật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu trên hệ thống kết nối đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến.
Đến nay, 291.774/364.924 trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn tỉnh đã được chuẩn hóa dữ liệu, đưa vào phần mềm quản lý thông tin trẻ em tại cơ sở theo quy trình hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH; mở tài khoản cho 46.503/60.894 người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội, đạt hơn 76%; trong đó, hơn 23.000 người đã được chi trả thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng, đạt hơn 38%.
Tính đến ngày 12/4, đã có hơn 2.100 hồ sơ đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh; trong đó, hơn 1.500 hồ sơ đang trong quá trình xử lý, 479 hồ sơ đã có kết quả.
Từ năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) tiếp nhận trực tuyến hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đồng thời tích cực triển khai chuyển đổi số trong nhiều hoạt động, quy trình như tổ chức sàn giao dịch việc làm, phỏng vấn lao động xuất khẩu trực tuyến; bước đầu số hóa hồ sơ lưu trữ; nâng cấp website chạy trên nền tảng IOS, Android để người dân dễ dàng xem, sử dụng trên điện thoại di động; đưa vào hoạt động tổng đài Zalo OA với bot chat trả lời, gửi tin nhắn tự động tới người lao động, doanh nghiệp; khai thác tối đa tiện ích các mạng xã hội trong tư vấn, giới thiệu việc làm…
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đặng Phú Xuyên cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ được giao, trung tâm phối hợp với đơn vị chuyên môn hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ, như phần mềm giới thiệu việc làm, tra cứu thông tin cho người lao động, đào tạo, lưu trữ hồ sơ, bảo hiểm thất nghiệp; trang bị thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm kiếm thông tin, thị trường lao động của doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động phát triển cơ sở dữ liệu tuyển dụng trực tuyến trên hệ thống website vieclamvinhphuc.gov.vn.
4 tháng đầu năm, trung tâm tiếp nhận hơn 3.600 bộ hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách trợ cấp thất nghiệp, trong đó 81,4% hồ sơ gửi lên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia. Số lượt hồ sơ trực tuyến tăng 231% so với cùng kỳ năm 2023. Gần 400 doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng khoảng 2.000 vị trí việc làm trên website vieclamvinhphuc.gov.vn.
Trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt truy cập, tìm kiếm thông tin tuyển dụng việc làm trên các nền tảng mạng xã hội. Việc giải quyết chính sách trợ cấp thất nghiệp, tuyển dụng lao động trực tuyến đã mang lại nhiều thuận lợi cho người lao động, doanh nghiệp và các ngành chức năng, tiết kiệm nhân lực tiếp nhận hồ sơ, giảm thời gian, chi phí…”.
Mặc dù công tác chuyển đổi số trong ngành LĐ-TB&XH đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, hiện nay, các phần mềm chuyên ngành còn riêng lẻ, chưa đồng bộ với cơ sở dữ liệu chung nên công tác quản lý, tổng hợp còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân không sử dụng thiết bị điện thoại thông minh nên khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính hoặc mở tài khoản ngân hàng để thanh toán, chi trả trực tuyến.
Khắc phục những khó khăn, hạn chế trong chuyển đổi số, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục phổ biến, tuyên truyền để người lao động biết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến để hưởng trợ cấp thất nghiệp; tăng cường tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả trên Cổng dịch vụ công quốc gia; phối hợp với các địa phương làm sạch, chuẩn hóa và bổ sung mã định danh đối với cơ sở dữ liệu còn lại và bổ sung thông tin liên quan đến lĩnh vực trẻ em trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hằng tháng, thực hiện điều chỉnh cơ sở dữ liệu tăng/giảm đối với đối tượng bảo trợ xã hội, cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Tiếp tục rà soát, đánh giá công tác chuyển đổi số, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai thực hiện chính quyền số, liên thông với dữ liệu dân cư quốc gia.
Qua đó xây dựng xã hội số minh bạch thông tin, chi trả đúng, kịp thời cho đối tượng thụ hưởng; đồng thời, quản lý hiệu quả, tổng quát về dự báo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
Hương Giang