Bắt nhịp với xu thế phát triển của thời đại công nghệ số, quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại và tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các hình thức, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong các giao dịch, mua sắm, thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến.
Ngày càng nhiều khách hàng chọn thanh toán không tiền mặt khi mua sắm tại các siêu thị. Ảnh: Nguyễn Lượng
Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030; hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng vận hành, xử lý nghiệp vụ dựa trên công nghệ số.
Tích cực ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình, sử dụng trí tuệ nhân tạo... để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm giao dịch của khách hàng.
Chú trọng mở rộng hệ sinh thái số các sản phẩm tích hợp dịch vụ ngân hàng. Tiếp tục theo dõi, thử nghiệm các giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip trong việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, hướng tới ứng dụng triển khai rộng rãi các tính năng trên chip thẻ căn cước công dân, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân trong các nghiệp vụ ngân hàng.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng chủ động, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn (Kho bạc Nhà nước; Cục Thuế tỉnh; Chi cục Hải quan; Sở Y tế; Bảo hiểm xã hội tỉnh...); đẩy mạnh thanh toán điện tử trong các dịch vụ hành chính công.
Phối hợp thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử; thu - nộp thuế điện tử để hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong thanh toán viện phí, bảo hiểm, chi trả trợ cấp, an sinh xã hội, trả tiền điện, nước... thông qua tài khoản ngân hàng.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 242 máy ATM (tăng 2% so với năm 2022), 980 máy POS được lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, siêu thị, chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... tạo điều kiện để người dân dễ dàng thanh toán và sử dụng các tiện ích ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2023, giao dịch TTKDTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng số lượng giao dịch qua internet tăng hơn 64% và tăng gần 35% giá trị. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng hơn 69% số lượng và hơn 20% giá trị.
Các giao dịch thanh toán thông qua phương thức QR code tăng trên 140% số lượng và trên 50% giá trị. Giao dịch qua các máy POS đạt 5 triệu giao dịch với giá trị đạt 900 tỷ đồng; số lượng giao dịch qua các cây ATM đạt 7,3 triệu lượt với giá trị đạt 930 tỷ đồng.
Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại các TCTD đạt 60%. Hơn 880 nghìn tài khoản thanh toán và 376 nghìn thẻ ATM được mở bằng phương thức điện tử. Gần 30 nghìn tài khoản Mobile money (ví điện tử viễn thông hay ví điện tử được sử dụng trên nền tảng di động) được mở với khoảng 40% tài khoản được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Các phương tiện, dịch vụ thanh toán của các chi nhánh ngân hàng thương mại được quản lý và vận hành thông suốt, ổn định, đảm bảo xử lý các giao dịch thanh toán với tốc độ cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, an toàn và bảo mật cao.
Có thể thấy, TTKDTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Việt Sơn