Năm 1997 là thời điểm Vĩnh Phúc được tái lập sau gần 29 năm hợp nhất với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Khi tái lập, Vĩnh Phúc là tỉnh thuần nông, trải qua hơn 26 năm phấn đấu, đến nay, tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội. Trong tiến trình phát triển ấy có những điểm nhấn đột phá, tạo nên ấn tượng sâu đậm trong mỗi người dân.
Thành phố Vĩnh Yên hôm nay. Ảnh Hà Phương
Trước hết về kinh tế, Vĩnh Phúc đã chuyển hẳn nền kinh tế từ thuần nông sang công nghiệp - đó là bước chuyển về chất trong lịch sử phát triển của tỉnh.
Vĩnh Phúc nằm ở đỉnh đồng bằng Bắc bộ, nơi phát tích của nền văn minh lúa nước; bởi thế, Vĩnh Phúc có truyền thống lâu đời sản xuất nông nghiệp. Nơi đây từng là điểm sáng của miền Bắc thập niên 60 của thế kỷ 20 về sản xuất nông nghiệp; nơi ra đời của Khoán hộ năm 1966; nơi được Bác Hồ khen, về thăm nhiều lần trong những năm tập thể hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc vẫn là tỉnh nghèo và luôn trăn trở làm thế nào để thực hiện được lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm tỉnh ngày 2/3/1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”. Đó là mệnh lệnh của Bác. Để thực hiện, tháng 11/1997, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII- Đại hội đầu tiên của tỉnh mới tái lập đã đề ra chủ trương chiến lược: “Tập trung mọi nguồn lực tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Hướng chủ yếu là phát triển mạnh công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và công nghiệp ngoài quốc doanh…”. Giải thích quan điểm này, trong bài viết đăng trên Bản tin Sinh hoạt chi bộ tháng 11/1997, đồng chí Bùi Hữu Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: “Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Vĩnh Phúc thời gian tới phụ thuộc rất lớn vào sự tăng trưởng của công nghiệp. Trong điều kiện của một tỉnh còn nghèo, cần phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tác ở tỉnh ngoài, nước ngoài vào đầu tư, vận dụng sáng tạo và có chính sách cụ thể khuyến khích công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh phát triển”. Thế là con đường và hướng đi đã rõ, chỉ có đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển mạnh kinh tế thị trường theo định hướng XHCN mới có thể làm cho Vĩnh Phúc giàu có, phồn vinh.
Với quan điểm, tư duy và tầm nhìn của Đại hội XII, trên chặng đường hơn 26 năm qua, các kỳ đại hội XIII, XIV, XV, XVI, XVII đã tiếp nối, sáng tạo, đổi mới, có giải pháp phù hợp, do đó đã tạo nên sự đột phá mới, làm cho bức tranh tổng thể ngành công nghiệp Vĩnh Phúc phát triển mạnh, được xếp hạng tốp đầu cả nước.
Đến nay, toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp, 450 dự án FDI với tổng số vốn 7,53 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng số vốn 125 ngàn tỷ đồng. Đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 13.500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, có 9.500 doanh nghiệp thực tế hoạt động… góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Sự phát triển của công nghiệp đã đưa Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp. Năm 1997, năm đầu tái lập tỉnh, tổng thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt 104 tỷ đồng; 7 năm sau (năm 2004), Vĩnh Phúc là một trong số ít tỉnh đã tự cân đối được và có đóng góp cho ngân sách Trung ương; đến năm 2009, tổng thu ngân sách vượt mức 10 ngàn tỷ đồng; đến năm 2014, đạt mốc son mới, tổng thu trên 20 ngàn tỷ đồng; đến năm 2022 đạt trên 40 ngàn tỷ đồng.
Với tốc độ tăng trưởng như vậy, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 93,15%, khu vực nông- lâm nghiệp, thủy sản chiếm gần 7%. Như vậy, công nghiệp giữ vai trò đầu tàu, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Khi nền kinh tế công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nó đã có tác động rất lớn đến việc hình thành tác phong công nghiệp trong tư duy, cách nghĩ, cách sống và làm việc của con người Vĩnh Phúc. Và khi công nghiệp là nền tảng, nó đã tạo ra cơ sở vật chất để tỉnh làm tốt việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, văn hóa, môi trường và đặc biệt là chăm lo, cải thiện đời sống nhân dân. Đó mới là đích đến của phát triển kinh tế công nghiệp.
Với quan điểm đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và quyết tâm xây dựng con người Vĩnh Phúc có những đặc điểm: Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới và “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển” là đột phá quan trọng của tỉnh.
Một dấu ấn đậm nét trong hoạt động của mình là Đảng bộ tỉnh đã nhận rõ nguồn lực con người, nguồn lực nhân dân là quan trọng nhất trong các nguồn lực. Bởi vậy, con người Vĩnh Phúc luôn là trung tâm và hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu tối thượng. Với triết lý “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, Đảng bộ tỉnh luôn coi an sinh xã hội là một trụ cột để bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh.
Trên cơ sở nhận thức như vậy, ngày 12/3/2020, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI ra Nghị quyết số 12-NQ/TU “về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với quan điểm “đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi người dân cơ hội tự cải thiện điều kiện kinh tế, nâng cao thu nhập. Đảm bảo mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng những thành quả từ sự phát triển của tỉnh…”.
Nghị quyết đã nêu chỉ tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 80-85 triệu đồng và đến hết năm 2030, đạt từ 130-135 triệu đồng.
Tiếp theo, ngày 12/12/2022, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; Tỉnh ủy nêu quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững”; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội… Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản của con người Vĩnh Phúc và con người Việt Nam…”; đồng thời, phát huy các đặc điểm nổi trội, tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới.
Để cụ thể hóa sâu hơn quan điểm xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Phúc của Đảng bộ tỉnh, ngày 16/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU “về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025”. Nghị quyết nêu quan điểm và mục tiêu “xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh”.
Sau gần 1 năm triển khai Nghị quyết, trên địa bàn các huyện, thành phố như đại công trường thi công xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Được nhân dân đồng tình ủng hộ, các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo quyết liệt, cùng sự vào cuộc chung sức, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, hình hài mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu đã dần rõ nét. Đã có 28 khu thiết chế văn hóa, thể thao đi vào hoạt động, tạo nên những nét mới, rất riêng ở Vĩnh Phúc. Có thể khẳng định, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tuy mới chỉ khai mở ban đầu, nhưng ai cũng nhận thấy tác dụng thiết thực, phù hợp với mô hình nông thôn mới hiện nay.
Các Làng văn hóa kiểu mẫu nằm trong 100% số xã nông thôn mới, trong đó có hàng chục thôn, làng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh… tạo nên một chỉnh thể bộ mặt nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, trở thành nơi đáng sống cho người dân Vĩnh Phúc. Ngày 21/10/2023, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học về “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc- Lý luận và thực tiễn”. Đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu: “Chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là cách làm mới, sáng tạo, lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung, góp phần hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa. Mô hình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu có tiềm năng nhân rộng và có tính gợi mở để các địa phương khác tham khảo…”.
Trong tiến trình phát triển, Vĩnh Phúc đã biết lựa chọn, sáng tạo cách làm hay, phù hợp thực tế của tỉnh trên cơ sở nắm vững sâu sắc sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Để khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực, tỉnh đã chủ động xây dựng các chính sách đặc thù, xây dựng đội ngũ cán bộ tận tâm, năng động, dám nghĩ, dám làm. Một trong những quyết sách mang tính đột phá, tạo dấu ấn nổi bật là ngày 22/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 371-QĐ/TU “Quy định việc giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm”. Quy định nêu rõ về nguyên tắc, những nội dung cơ bản để tổ chức thực hiện việc giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đối với cấp tỉnh: Là người đứng đầu các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội; đối với cấp huyện là Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, thành phố. Về nguyên tắc, quy định nêu: “Việc giao nhiệm vụ cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý đảm bảo theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh theo quy định của pháp luật và theo tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị”; “lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc, lấy kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo trong đánh giá cán bộ...”. Đánh giá về kết quả thực hiện Quy định này, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh trong bài viết kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc (2/3/1963- 2/3/2023) đã khẳng định: “Một trong những quyết sách để lại dấu ấn nổi bật thời gian qua là việc giao chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể và đổi mới cách thức đánh giá cán bộ. Sau gần 2 năm thực hiện, tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh đều chuyển động mạnh, hoạt động hiệu quả hơn. Nhiều sở, ngành, địa phương có những cách làm sáng tạo, đột phá, tháo gỡ được những điểm nghẽn tích tụ nhiều năm, đồng thời khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển...”.
Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng với bản lĩnh và tố chất của người Vĩnh Phúc, nhất định sẽ có nhiều sáng tạo, đột phá mới để xây dựng Vĩnh Phúc giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là nơi thật sự đáng sống.
Đỗ Việt Trì