Cùng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) ngày càng cao, việc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động kinh doanh bán điện hướng đến tự động hóa mạng lưới cung ứng điện đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với các đơn vị bán lẻ điện, đặc biệt ở khu vực nông thôn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ khách hàng.
Công ty TNHH Điện Tam Hồng (Yên Lạc) ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành lưới điện. Ảnh: Thế Hùng
Công ty TNHH Điện Tam Hồng (Yên Lạc) hiện đang quản lý hơn 30 km đường dây hạ thế, cung ứng điện cho gần 5.000 khách hàng trên địa bàn thị trấn Tam Hồng. Xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện, từ năm 2022, công ty đã mạnh dạnh đầu tư hàng tỷ đồng triển khai các giải pháp CĐS, áp dụng công nghệ mới như thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, lắp đặt hệ thống đo xa. Phối hợp với các đơn vị Viettel, VNPT triển khai các công cụ phần mềm hỗ trợ như thu tiền điện qua mạng, thông báo tiền điện, sự cố mất điện qua ứng dụng tin nhắn, hoặc thuê bao khách hàng sử dụng điện...
Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, Công ty TNHH Điện Tam Hồng đã thay thế 100% công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, việc ghi chỉ số công tơ thực hiện hoàn toàn tự động; 70% khách hàng của công ty đã áp dụng và duy trì thanh toán tiền điện qua mạng.
Đánh giá về hiệu quả sau CĐS, ông Phạm Xuân Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Điện Tam Hồng cho biết: “Sau khi thay thế công tơ khí bằng công tơ điện tử đã cải thiện đáng kể tốc độ và sự chính xác trong đo đếm điện, xác định nhanh sự cố. Qua đó, tạo sự minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh điện năng, tăng năng suất lao động và mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng điện”.
Với những lợi ích nhiều mặt, CĐS đã và đang trở thành yêu cầu tất yếu đối với các đơn vị bán lẻ điện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và tránh tụt hậu phía sau. Tuy nhiên, việc CĐS ở các đơn vị bán lẻ điện nông thôn mà cụ thể là các đơn vị bán lẻ điện ngoài ngành điện đang gặp không ít khó khăn. Nhiều đơn vị chưa thực hiện CĐS trong hoạt động quản lý bán điện khu vực nông thôn.
Nguyên nhân là do hạn chế về năng lực tài chính, nguồn vốn hoạt động eo hẹp, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong khi đó, kinh phí cho việc triển khai các giải pháp CĐS, áp dụng công nghệ mới không phải là nhỏ.
Trước thực tế đó, để đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh bán điện, triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng hạ tầng lưới điện khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị hoạt động kinh doanh bán lẻ điện khu vực nông thôn đẩy nhanh việc thực hiện CĐS trong lĩnh vực năng lượng, hướng đến tối đa hóa và tự động hóa mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả; bám sát chủ chương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để xác định mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện và trách nhiệm của các đơn vị trong thực hiện CĐS; nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, máy móc phù hợp để thực hiện CĐS hoạt động điện lực khu vực nông thôn.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị có liên quan cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chủ chương, chính sách pháp luật về CĐS bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Phấn đấu đến năm 2025 đạt tối thiểu 40% doanh nghiệp bán lẻ điện nông thôn áp dụng CĐS trong hoạt động kinh doanh bán điện và đến năm 2030, 100% tổ chức, đơn vị quản lý bán điện tại khu vực nông thôn hoàn thành thực hiện CĐS trong hoạt động kinh doanh bán điện; hướng tới mục tiêu tự động hóa mạng lưới cung ứng điện, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Nguyễn Hường