Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất, vụ Đông đã trở thành vụ chính, mang lại thu nhập cao cho người dân tại nhiều địa phương. Nhiều mô hình trồng cây vụ Đông hiệu quả đã và đang được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích canh tác, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thực hiện mục tiêu, phấn đấu tổng diện tích gieo trồng vụ Đông năm 2023, đạt 14.800 ha, đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh đã gieo trồng đạt 97% kế hoạch đề ra.
Mô hình trồng rau, củ, quả trong nhà màng, nhà lưới của gia đình chị Văn Thị Yến, khu 10, thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, vụ Đông thu lãi hơn 30 triệu đồng/tháng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Từ 5 ha trồng bí đỏ theo chương trình hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến nay, tổng diện tích gieo trồng bí đỏ tại xã Vũ Di (Vĩnh Tường) đã tăng lên gần 100 ha. Cây bí đỏ có khả năng chống chịu sâu bệnh, thời tiết khắc nghiệt, dễ trồng, phù hợp với đồng đất của địa phương nên cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Bí đỏ đã trở thành giống cây trồng chủ lực vụ Đông tại xã Vũ Di trong nhiều năm gần đây.
Ông Đặng Xuân Trường, thôn Yên Nhiên, xã Vũ Di cho biết: “Vụ Đông năm nay thời tiết thuận lợi, rét muộn hơn so với mọi năm, chưa có mưa lớn kéo dài, giúp cây bí sinh trưởng và phát triển nhanh, nhiều ruộng đã cho thu hoạch hoa bí và bí non, một số hộ canh tác sớm đã có thể thu hoạch quả.
Với việc hình thành được vùng sản xuất bí đỏ tập trung, lựa chọn giống tốt, sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, bí đỏ tại địa phương có đầu ra ổn định, trung bình mỗi ha bí thu được từ 55 - 60 triệu đồng”.
Với 6.000 m2 nhà màng, nhà lưới, vụ Đông năm 2023, gia đình chị Văn Thị Yến, khu 10, thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường) đã tập trung 4 cây trồng chủ lực bao gồm dưa lưới, dưa leo, cà chua và ớt.
Chị Yến cho biết: “Sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại là xu hướng tất yếu, không chỉ giúp nông dân giảm công lao động, nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra, mà còn tận dụng tối đa được diện tích canh tác. Việc áp dụng KHKT trong sản xuất, đã giúp gia đình có thể chủ động trồng các loại rau, củ, quả quanh năm mà không sợ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và hạn chế dịch hại trên cây”.
Vụ Đông năm 2023, trung bình mỗi ngày, gia đình chị Yến xuất bán khoảng 3 tạ nông sản, thu lãi hơn 30 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 5 lao động, thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.
Là địa phương có diện tích gieo trồng cây vụ Đông cao nhất tỉnh, đến hết tháng 11/2023, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông trên địa bàn toàn huyện Vĩnh Tường đạt gần 3.800 ha.
Theo ông Hà Văn Minh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường: “Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng KHKT vào sản xuất, vụ Đông đã trở thành mùa vụ chính, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho người dân nhiều nơi trên địa bàn huyện”.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì từ nay đến những tháng đầu năm 2024 nên mùa Đông rét muộn, số ngày rét đậm, rét hại ít hơn so với các năm, là điều kiện thuận lợi để các địa phương tăng tốc sản xuất cây vụ Đông. Đến hết tháng 11/2023, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông toàn tỉnh đạt gần 14.400 ha, đạt 97% kế hoạch đề ra.
Chỉ với 240 m2 trồng hành lá, trung bình 45 ngày, gia đình chị Lê Thị Lơ, thôn Hoa Phú (Bình Dương, Vĩnh Tường) thu lãi gần 5 triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả tại các địa phương đã và đang được nhân rộng, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung.
Các mô hình sản xuất vụ Đông không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, mà còn góp phần tăng thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích canh tác, tận dụng tài nguyên đất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Điển hình như một số mô hình trồng khoai lang Hoàng Long ở xã Bình Định (Yên Lạc) với tổng diện tích 70ha; trồng bí đỏ ở Vũ Di (Vĩnh Tường) với tổng diện tích gần 100ha; trồng hành lá ở xã Bình Dương (Vĩnh Tường) với diện tích 30ha… Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều mô hình ứng dụng KHKT trong trồng trọt, không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết.
Đẩy mạnh sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất vụ Đông cho hiệu quả kinh tế cao, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng cây hàng hóa tập trung, có chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Tích cực thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm nông sản; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho nông sản.
Đảm bảo chủ động phương án tưới tiêu, phục vụ sản xuất, khuyến khích nông dân áp dụng KHKT trong sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hoàng Sơn