Khu nghỉ mát Tam Ðảo được người Pháp phát hiện và xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX. Ðến đầu những năm 1940, Tam Ðảo đã là một đô thị trên núi cao với những tòa nhà và biệt thự cao cấp, lộng lẫy. Tam Đảo ngày nay - một ốc đảo yên bình nấp bóng giữa đại ngàn sương phủ, mây giăng. Cũng vẫn là núi, cũng vẫn là rừng, nhưng Tam Đảo đắm say lòng người đến lạ…
Người xưa kể rằng, có 3 ngọn núi đã góp mặt nên Tam Đảo, cho đến bây giờ, tên gọi xưa vẫn vẹn nguyên giữa những nếp gấp thời gian. Một ngọn núi cao 1.378 m. Tại đây, xen kẽ giữa những bãi bằng là vô số những tảng đá mọc cao thấp, nhấp nhô trông như người nhà Trời xuống trần họp chợ. Chính từ đó mà ngọn núi này có tên là Thiên Thị, tức chợ Trời.
Một ngọn núi khác cao 1.388 m với tên Thạch Bàn, là nền của chùa Đồng Cổ ngày xưa. Đặt tên là Bàn Đá ắt hẳn cũng có nguyên nhân của nó. Mà đúng là vậy, trên núi này có một phiến đá lớn, bằng phẳng trông giống như một chiếc bàn.
Chuyện người xưa kể cũng lý giải tại sao ngọn núi thứ ba lại có tên là Phù Nghĩa (hay còn gọi là núi Rùng Rình). Tương truyền vợ chồng Lang Liêu đã đến đây lấy lá dong gói bánh chưng dâng Vua Hùng. Và cũng chính nơi đây, Vua Hùng thường cử các quan quân đến cầu giúp việc nghĩa cho giang sơn, xã tắc.
Đã trăm năm trôi qua, huyền thoại mãi vẫn chỉ là huyền thoại, nhưng huyền thoại đã sống để góp thêm những lung linh, huyền ảo, thêm cảnh u tịch cho bức tranh Tam Đảo hôm nay. Đứng vọng về núi giữa muôn trùng khói tỏa, mây bay, con người ta dễ ví như mình đang lạc chốn bồng lai tiên cảnh.

Tam Đảo - Điểm đến lý tưởng của nhiều du khách
Dừng chân tại thị trấn Tam Đảo, du khách không chỉ được nghe những câu chuyện huyền thoại, không chỉ được đẫm mình trong bầu không khí trong lành ở độ cao trên 900 m so với mặt nước biển, mà đặc biệt, còn có thể cảm nhận nhịp sống đời thường náo nức và rộn rã như ở những miền quê khác.
Có quá nhiều nơi để đến tại điểm hẹn du lịch này như là Thác Bạc, tháp truyền hình, đỉnh Rùng Rình, đền Mẫu thượng ngàn, đền thờ Đức Thánh Trần, đền Quốc mẫu Âu Cơ, quảng trường trung tâm, sân khấu âm nhạc Hoa Bay và nhiều điểm check-in đẹp, độc, lạ khác… Nhưng, có một nơi được ví như trái tim của ngôi làng mờ sương Tam Đảo, ấy chính là nhà thờ đá Tam Đảo với lối kiến trúc Gothic nổi tiếng được xây dựng từ năm 1937. Nơi đây còn được đặt tên là cổng trời Tam Đảo vì đứng từ đây, nhìn qua cổng vòm nhà thờ, sẽ thấy thị trấn Tam Đảo bồng bềnh trong mây.

Nhà thờ đá Tam Đảo - “trái tim” của ngôi làng mờ sương
Chắc hẳn, ở mỗi nơi dừng chân là thêm một lần sống dậy của những huyền thoại xa xưa trong lòng du khách. Nơi rừng núi thâm u, có tiếng chim rừng vọng lại, có tiếng nước chảy từ phía Thác Bạc, có hoa dại bung nở khắp lối đi... Tất cả cùng dệt nên một bức tranh thơ mộng, một không gian lắng đọng, một cảnh sắc yên bình. Và mỗi du khách đến đây đều muốn lưu giữ những khoảnh khắc, kỷ niệm trong sự yên bình, lắng đọng đó theo cách của riêng họ: Ghé quán Gió thưởng thức một ly cafe và tận hưởng không gian bốn bề mây phủ, chụp những tấm ảnh, khắc tên mình và người thương trên những bậc đá, mua những sản phẩm du lịch đặc trưng...
Có một vị khách đặc biệt đã ghi dấu kỷ niệm với Tam Đảo cũng theo cách rất đặc biệt, đó là Yves Coueslant - một trong những nhà sáng lập thương hiệu Diptique, đã tạo ra một dòng nước hoa nổi tiếng thế giới mang tên "Tam Dao" để ghi nhớ về địa danh Tam Đảo mà ông và gia đình đã trải qua nhiều kì nghỉ ở đây vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20. Ông đã nảy ra ý tưởng về một loại nước hoa mang đậm hơi thở của núi rừng Tam Đảo với hương thơm rất lôi cuốn của mùi gỗ đàn hương. Và sau này, đàn hương đã trở thành một trong 3 nguyên liệu chính để Yves Coueslant cho ra đời dòng nước hoa Tam Dao nổi tiếng.

Lối kiến trúc của các nhà hàng, khách sạn ở Tam Đảo rất độc đáo
Tam Đảo xanh bởi trời mây, cây, núi... và Tam Đảo cũng xanh lại bởi bạt ngàn những đồi su su. Ngọn su su, quả su su cũng chính là đặc sản của vùng Tam Đảo, là thức quà thường trực tại những góc chợ cùng với măng rừng, chuối ngự, các loại hàng may mặc thổ cẩm truyền thống, các loại thuốc từ núi như táo mèo, rượu la hán, rượu ngô, rượu chuối, mật ong rừng và nhiều sản vật khác… Hương rừng, gió núi Tam Đảo như được chưng cất trong từng thức quà, để rồi khi ai đó được trao tay những thức quà đó, được nghe những câu chuyện tỉ tê về nơi đó, ắt hẳn sẽ có những hình dung về một Tam Đảo của riêng họ, gợi thêm những tò mò và thôi thúc ý nghĩ về một chuyến ghé thăm.
Nếu như miền Trung quanh năm chỉ có hai mùa mưa - nắng thì một ngày ở Tam Đảo lại có đủ sắc thái của bốn mùa. Buổi sáng sớm, không khí mát dịu trong lành như mùa Xuân. Đến buổi trưa trời nắng như Hè, chiều chuyển se lạnh của tiết trời Thu và tối đến thì sương mù giăng khắp lối, thi thoảng có chút mưa nhẹ, trời lạnh hơn như đương mùa Đông. Chính vì thế mà nơi đây rất thích hợp để du khách nghỉ dưỡng vào mỗi dịp hè.
Lượng khách đến với Tam Đảo ngày một tăng. Đặc biệt, là từ khi đón nhận danh hiệu Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới đã khiến Tam Đảo nổi tiếng hơn trên phạm vi toàn cầu. Hy vọng rằng, với cảnh sắc bồng lai mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho nơi đây, cùng với những nỗ lực của con người để gắn kết và gìn giữ cho núi rừng Tam Đảo thêm xanh... chắc chắn, địa danh này sẽ là lựa chọn của đông đảo du khách cho những kỳ nghỉ dưỡng và du lịch.
Bài, ảnh: Hoàng Cúc