Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngành Hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, thời gian qua, Hải quan Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong đơn vị.
Doanh nghiệp được hướng dẫn, tạo mọi thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính tại Hải quan Vĩnh Phúc.
BH Flex Vina là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc được thành lập năm 2013 tại Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên), chuyên sản xuất linh kiện điện tử và tấm mạch in mềm, với quy mô lao động trên 4.000 người, giá trị hàng hóa xuất khẩu trung bình đạt hơn 800 triệu USD mỗi năm.
Trước đây, khi thực hiện các tờ khai hải quan hoặc hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp phải khai tờ khai giấy, nộp trực tiếp tại hải quan. Trong trường hợp các tờ khai hoặc hồ sơ có sai sót, doanh nghiệp phải in lại rồi trực tiếp mang đến hải quan để chỉnh sửa bổ sung.
Nhưng hiện nay, với hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và cơ chế một cửa quốc gia, một cửa Asean, các tờ khai, hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp đều được thực hiện trực tuyến trên môi trường số; trong trường hợp có sai sót, doanh nghiệp chỉ việc chỉnh sửa, scan rồi đính kèm là xong. Vừa tiện lợi, lại giảm công sức, thời gian đi lại, chi phí in ấn…
Chị Đặng Thị Thảo, phụ trách bộ phận xuất, nhập khẩu, Công ty TNHH BHFlex Vina cho biết: “Các phần mềm, ứng dụng được Hải quan Vĩnh Phúc triển khai trong thời gian qua đã giúp doanh nghiệp được thuận lợi hơn rất nhiều trong hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa.
Ngoài các chi phí liên quan, vấn đề doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là thời gian thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu thì nay cả hai đã được đáp ứng rất tốt. Các chi phí đều giảm, thời gian thực hiện các thủ tục giảm khoảng 60-70% so với trước đây.
Mặc dù vậy, hệ thống của ngành Hải quan thi thoảng vẫn xảy ra tình trạng quá tải, không thể thực hiện được các thủ tục, do vậy, doanh nghiệp mong muốn ngành Hải quan tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống hiện đại hơn nữa, đảm bảo đường truyền, tốc độ truyền dẫn tốt hơn để tránh xảy ra tình trạng quá tải ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hóa của doanh nghiệp”.
Những nhìn nhận, đánh giá trên của doanh nghiệp là minh chứng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Hải quan Vĩnh Phúc trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Đội trưởng Đội Tổng hợp, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc Vũ Đức Thiện cho biết: “Hiện nay, 100% các tờ khai của doanh nghiệp đều được khai báo qua hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi.
Hải quan Vĩnh Phúc cũng phối hợp với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tiến hành thu thuế, lệ phí hải quan không dùng tiền mặt. Hiện, 100% thuế xuất, nhập khẩu qua Hải quan Vĩnh Phúc đều được thu qua hệ thống ngân hàng điện tử, không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất, nhập khẩu đều được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Công tác điều hành, xử lý văn bản được thực hiện toàn bộ trên môi trường mạng.
Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, phục vụ hiệu quả các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm yêu cầu quản lý, góp phần rút ngắn thời gian thông quan, giảm thiểu các tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính…”.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hải quan Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chuyển đổi số trên cơ sở nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của đơn vị theo xu hướng số hóa thông tin, dữ liệu.
Tuyên truyền, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, của ngành về chuyển đổi số, từ đó nâng cao nhận thức và hành động về chuyển đổi số, thay đổi tư duy, thói quen làm việc trong môi trường số, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Đơn vị tổ chức tiếp nhận, vận hành thông suốt 24/7 các phần mềm ứng dụng của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan thành phố Hà Nội. Rà soát, đánh giá thực trạng các trang thiết bị công nghệ thông tin, kịp thời đề xuất sửa chữa, trang bị mới đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Tăng cường kiểm tra công tác an toàn hệ thống, kiểm soát truy cập người dùng, hướng dẫn sử dụng tài khoản, mật khẩu truy cập các hệ thống công nghệ thông tin để giữ vững an toàn, an ninh hệ thống.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn triển khai số hóa, chuyển đổi số phù hợp, đồng bộ với cơ quan hải quan theo lộ trình để tạo thuận lợi cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh