Trong cuộc sống hằng ngày, các tai nạn, biến cố có thể xảy ra bất cứ khi nào và nếu được sơ cứu kịp thời, đúng cách sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ làm bệnh thêm nặng hoặc tử vong trước khi đưa đến bệnh viện. Đây chính là chức năng quan trọng của hoạt động cấp cứu ngoại viện đang được triển khai, thực hiện hiệu quả tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, góp phần cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch.
Bộ phận tiếp nhận thông tin ban đầu cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt trực 24/24h. Ảnh: Trà Hương
Cuối tháng 10/2023, nhận được tin báo hỗ trợ từ Trạm Y tế xã Hải Lựu, huyện Sông Lô có sản phụ Đinh Thị Thu Hà, 36 tuổi ở thôn Thắng Lợi mang thai lần 3, thai 39 tuần chuyển dạ nhưng có dấu hiệu suy thai, Trung tâm Y tế huyện Sông Lô đã cử đội cấp cứu ngoại viện với các bác sĩ chuyên khoa có nhiều kinh nghiệm nhanh chóng lên đường.
Khi có mặt tại Trạm Y tế và tiến hành thăm khám cho người bệnh, các bác sĩ nhận thấy đây là trường hợp cần xử lý ngay tại trạm, không thể chuyển lên tuyến trên vì di chuyển có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của mẹ và bé.
Ngay lập tức, ekip cấp cứu ngoại viện đã nhanh chóng phối hợp với đội ngũ cán bộ của Trạm Y tế xã Hải Lựu sử dụng thuốc, thủ thuật… tiến hành cấp cứu mẹ con sản phụ. Sau gần 1h đồng hồ cấp cứu, sản phụ đã sinh thành công bé trai, cân nặng 3,5 kg. Sau sinh, trẻ có dấu hiệu tím tái, suy hô hấp, ekip cấp cứu ngoại viện tiếp tục tiến hành hỗ trợ thở cho bé. Sau cấp cứu, sức khỏe của mẹ và bé ổn định, được theo dõi tại Trạm Y tế xã và xuất viện vài ngày sau đó.
Hay như trường hợp bệnh nhân N.T.T, 75 tuổi ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên nhờ được cấp cứu ngoại viện kịp thời nên đã qua khỏi tình trạng nguy cấp. Bệnh nhân T bị ngã tại nhà và bất tỉnh. Do không có chuyên môn cấp cứu, người nhà đã gọi tới số điện thoại hotline của Dịch vụ y tế ngoại viện trực thuộc Đơn nguyên cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt.
Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, ekip cấp cứu ngoại viện đã nhanh chóng có mặt tại nhà bệnh nhân. Qua thăm khám sơ bộ, nhân viên y tế ghi nhận người bệnh bị hôn mê, huyết áp cao 200/120 mmHg, chân bên phải bị lệch trục, biến dạng.
Ngay sau đó, người bệnh được nhân viên y tế hỗ trợ thở oxy, cố định vị trí gãy xương và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Việc sơ cứu đúng cách với nẹp cố định đã góp phần rất lớn trong việc ổn định vết thương và tránh cho vết thương bị biến chứng trong quá trình di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Thực tế thời gian qua, mặc dù không có con số thống kê cụ thể về số bệnh nhân có bệnh lý cấp tính hoặc tai nạn thương tích cần trợ giúp cấp cứu tại chỗ, tuy nhiên, thông qua hoạt động của các Tổ cấp cứu ngoại viện túc trực 24/24h đã giúp nhiều người thoát “cửa tử”.
Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt thường xuyên tổ chức diễn tập cấp cứu ngoại viện nhằm nâng cao năng lực xử lý tình huống cho đội ngũ nhân viên y tế. Ảnh: Trà Hương
Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện Vĩnh Phúc chưa thành lập riêng Trung tâm cấp cứu ngoại viện, nhưng các Tổ cấp cứu ngoại viện trực thuộc Khoa Cấp cứu của các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi người dân cần hỗ trợ hoặc có yêu cầu.
Tuy nhiên, hiện nay, khi có tai nạn, thương tích xảy ra, phần lớn các gia đình hoặc người dân tự vận chuyển người bệnh đến Khoa Cấp cứu của các cơ sở y tế gần nơi cư trú bằng các phương tiện cá nhân, taxi hoặc xe máy. Trong số đó, cũng đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân do không được sơ cứu hoặc vận chuyển đúng cách đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong trước khi đến được bệnh viện.
Để khẳng định tầm quan trọng của hoạt động cấp cứu ngoại viện, ngày 9/1/2023, tại kỳ họp bất thường lần 2 khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024), trong đó, lần đầu tiên, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã bổ sung quy định về hoạt động cấp cứu ngoại viện.
Theo đó, các nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hệ thống cấp cứu ngoại viện, trong đó ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho đầu tư thiết lập hệ thống cơ sở cấp cứu ngoại viện của Nhà nước, hệ thống tiếp nhận thông tin và điều phối cấp cứu ban đầu; chi phí vận chuyển cấp cứu trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chi phí quản lý, vận hành cơ sở cấp cứu ngoại viện của Nhà nước.
Đây là một điểm mới thể hiện sự chặt chẽ trong việc tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm.
Thời gian tới, khi các bộ, ngành liên quan xây dựng xong các nghị định, thông tư, quyết định, đề án để hướng dẫn chi tiết một số nội dung thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có hướng dẫn cụ thể về hoạt động cấp cứu ngoại viện, ngành Y tế tỉnh sẽ nỗ lực tiếp tục hoàn thiện, kết nối hệ thống cấp cứu ngoại viện, xây dựng quy trình cấp cứu trước khi vào viện một cách tối ưu, nhằm rút ngắn thời gian từ lúc người bệnh xảy ra tai nạn đến khi người bệnh được đưa tới các cơ sở y tế gần nhất và xử lý kịp thời.
Qua đó, giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong, mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Minh Nguyệt