Thực hiện lời dạy của Bác “Phải tự lực cánh sinh là chính, việc giúp đỡ là phụ”, ông Bùi Văn Sỹ, hội viên nông dân xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch đã vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của gia đình, tạo việc làm cho hàng chục lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ông Bùi Văn Sỹ chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ba kích tím cho người dân trên địa bàn
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, kinh tế khó khăn, ông Bùi Văn Sỹ luôn trăn trở phải làm gì đó để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Vì thế, ông tích cực tìm hiểu các ngành nghề và học hỏi để có thể phát triển kinh tế ngay tại quê hương.
Năm 2011, ông Sỹ mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng. Cửa hàng của gia đình nằm trên tuyến Quốc lộ 2C nối Vĩnh Phúc với Tuyên Quang, hệ thống giao thông thuận lợi và bán hàng có uy tín nên đã nhanh chóng gây dựng được niềm tin đối với khách hàng, trở thành nơi cung cấp vật liệu xây dựng chủ yếu cho các công trình trên địa bàn xã và các xã lân cận.
Mỗi năm, cửa hàng của gia đình ông bán được hàng nghìn tấn vật liệu xây dựng, cho thu nhập gần 800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2014, sau khi đi tham quan một số mô hình trồng cây ba kích trên đất đồi ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, nhận thấy cây dược liệu này cho thu nhập cao, không kén đất trồng, ông Sỹ có suy nghĩ đưa cây ba kích về trồng tại địa phương. Sau một thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng, tháng 4/2015, ông bàn với gia đình mua lại khu vườn đồi trồng vải cằn cỗi, kém hiệu quả của người dân địa phương và cải tạo lại để trồng cây ba kích tím với diện tích khoảng 1.000 m2.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, nên số lượng ba kích bị hỏng khoảng 30%. Tuy nhiên, ông Sỹ tiếp tục vừa làm vừa tích lũy, học hỏi kinh nghiệm từ những gia đình trồng ba kích tím có hiệu quả ở các vùng lân cận; đồng thời nghiên cứu, tham khảo tài liệu để áp dụng vào việc chăm sóc cây trồng. Sau 2 năm, việc ươm trồng cây ba kích của gia đình mới bắt đầu cho hiệu quả. Ngoài thu nhập từ bán cây giống được hơn 100 triệu đồng, lứa ba kích đầu tiên của gia đình ông đã cho thu hoạch .
Hiện nay, gia đình ông Sỹ có trang trại với diện tích đất 8,3 ha, trong đó 6 ha trồng cây lâm nghiệp, hơn 2 ha trồng cây ba kích. Toàn bộ diện tích cây ba kích tím được trồng theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới (GACP-WHO) và được Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam ký kết bao tiêu đầu ra. Mô hình trồng cây dược liệu cho thu nhập hơn 1,3 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm thời vụ cho 12-15 lao động.
Không chỉ tập trung làm giàu cho gia đình, ông Sỹ còn tích cực vận động các hộ dân trong thôn, xã cùng trồng cây ba kích tím để phát triển kinh tế. Nhằm tạo động lực khuyến khích các hộ dân, gia đình ông Sỹ đã ủng hộ hơn 3 vạn cây giống với tổng trị giá hơn 40 triệu đồng và hỗ trợ kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm chăm sóc cây dược liệu cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Hiện nay, toàn xã có 44 hộ tham gia trồng cây ba kích với tổng diện tích 8,8 ha.
Năm 2021, nhận thấy nhu cầu thị trường trong và ngoài nước về bao bì BGF còn thiếu, ông Sỹ tìm đến các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng tương tự để tìm hiểu quy trình sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sau khi tìm được mô hình hiệu quả nhất để áp dụng, gia đình ông đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm các trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất gia công sản phẩm bao bì BGF cho Công ty Sung Lim Vina xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Đến nay, ngoài kinh doanh vật liệu xây dựng và trồng cây dược liệu, xưởng sản xuất bao bì của gia đình ông Sỹ còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, hội viên nông dân Bùi Văn Sỹ luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia đóng góp đầy đủ các loại thuế; tích cực đóng góp các quỹ do địa phương vận động; ủng hộ xây dựng nông thôn mới, trại hè cho thiếu niên…
Năm 2022, hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình ông Sỹ đã xây bồn và trồng hoa hai bên đường giao thông nông thôn với chiều dài hơn 30 m.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Bình Hà Minh Tuân cho biết: "Với tinh thần nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để giúp đỡ mọi người, hội viên nông dân Bùi Văn Sỹ xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” để các hội viên nông dân trên địa bàn xã nói riêng và trong toàn tỉnh nói chung học tập, noi theo".
Bài, ảnh: Minh Nguyệt