Theo ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh, hiện nay, số ca mắc đau mắt đỏ (viêm kết mạc) ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng. Việc triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát số ca mắc, không để bệnh lây lan trên diện rộng, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thị lực của trẻ đang được ngành Y tế và các địa phương, các nhà trường quyết liệt thực hiện.
Giáo viên Trường mầm non Yên Đồng, huyện Yên Lạc hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh đau mắt đỏ.
Hai tuần gần đây, số trẻ bị đau mắt đỏ phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh liên tục gia tăng. Thời điểm nửa đầu tháng 9/2023, bệnh viện chỉ tiếp nhận lẻ tẻ một vài ca mắc đau mắt đỏ, nhưng chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây, bệnh viện đã tiếp nhận 37 trường hợp trẻ có các triệu chứng viêm kết mạc nhập viện điều trị, trong đó, nhiều trẻ mắc đau mắt đỏ kèm theo các bệnh lý đường hô hấp, một số trẻ phải điều trị trong thời gian dài do tình trạng bệnh phức tạp.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Hà, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Trung bình những ngày gần đây, bệnh viện tiếp nhận 10 - 15 trường hợp đến khám có các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ, trong đó có 1/3 trường hợp là trẻ em. So với thời điểm đầu tháng 9, số lượng bệnh nhân đến khám tăng rõ rệt, tuy nhiên, con số thực tế nhiễm bệnh ngoài cộng đồng có thể cao hơn rất nhiều.
Trẻ em là nhóm đối tượng rất dễ lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ vì trẻ có sức đề kháng kém, khả năng tự vệ sinh cá nhân còn hạn chế. Đau mắt đỏ ở trẻ em thường khỏi hoàn toàn sau 7 ngày nếu được chăm sóc và điều trị đúng phương pháp. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, loét giác mạc, sẹo giác mạc… và làm gia tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn”.
Theo lý giải của các chuyên gia y tế, sở dĩ thời điểm hiện tại, số ca mắc đau mắt đỏ ở trẻ em có xu hướng tăng mạnh là bởi hiện nay đã bước vào năm học mới, việc thực hiện học tập trung và ăn bán trú khiến bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp hoặc qua các giọt bắn, dịch tiết của người nhiễm bệnh, lây qua các vật dụng mà trẻ tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, đồ vật, đồ chơi, đồ dùng học tập…
Để ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ lan rộng tại cơ sở giáo dục, nhiều nhà trường đang áp dụng các biện pháp phòng dịch quyết liệt. Điển hình như tại Trường tiểu học Liên Minh, thành phố Vĩnh Yên, hiện nay, nhà trường đã ghi nhận 5 trường hợp học sinh đau mắt đỏ. Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, nhà trường đã thông tin đến phụ huynh đưa con đi khám và đề nghị trẻ tạm thời nghỉ học để điều trị, thực hiện các biện pháp cách ly phòng dịch, giảm nguy cơ lây lan cho học sinh trong lớp.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám mắt cho học sinh Trường tiểu học Quang Yên, huyện Sông Lô. Ảnh: Trà Hương
Ban Giám hiệu nhà trường, cán bộ y tế phối hợp với giáo viên chủ nhiệm các lớp tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh học sinh thực hiện các biện pháp phòng bệnh thông qua nhiều hình thức như hệ thống bảng thông tin, các ứng dụng mạng xã hội và truyền đạt trực tiếp đến phụ huynh học sinh. Các lớp tăng cường vệ sinh môi trường để phòng, chống lây lan bệnh đau mắt đỏ và các dịch bệnh khác.
Tại Trường mầm non Yên Đồng, huyện Yên Lạc, mặc dù hiện nay chưa ghi nhận trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường bị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế luôn được thực hiện đầy đủ. Cô giáo Trần Thị Yên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đối với trẻ mầm non, công tác phòng dịch bệnh được nhà trường coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế, nhà trường yêu cầu giáo viên các lớp thường xuyên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng, sử dụng khăn mặt riêng, cốc uống nước riêng.
Nhà trường cũng tăng cường dinh dưỡng, đa dạng thực đơn bữa ăn bán trú để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Hằng ngày, giáo viên các lớp theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, đau mắt đỏ nhằm tránh lây lan trên diện rộng. Lớp học và đồ dùng, đồ chơi của trẻ được vệ sinh thường xuyên; khăn mặt của trẻ được các cô giáo giặt, sấy khô hằng ngày đảm bảo tiệt trùng”.
Đau mắt đỏ là bệnh lý lành tính, ít để lại biến chứng, tuy nhiên, bệnh dễ lây lan trên diện rộng. Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị đau mắt đỏ, các bậc cha mẹ không nên tự ý dùng các loại thuốc có chứa kháng sinh để nhỏ mắt cho con bởi mỗi bệnh nhân có biểu hiện và diễn biến bệnh khác nhau, vì vậy, cần được thăm khám để lựa chọn loại kháng sinh phù hợp và đánh giá tình trạng toàn diện để kịp thời phát hiện các tổn thương khác (nếu có).
Bài, ảnh: Quỳnh Hương