Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp các em phát triển toàn diện nhân cách con người, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh. Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của công tác này, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình giảng dạy đa dạng, phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi.
Việc giảng dạy lý tưởng cách mạng cho học sinh các cấp đã và đang nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tích hợp trong các bài giảng giúp học sinh trân quý và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc. Ảnh: Dương Hà
Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nời đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Nội dung giáo dục cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục. Dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động và người lao động, thật thà, dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ Tổ quốc”.
Khắc ghi lời dạy của Người, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phát triển giáo dục nói chung và nâng cao giáo dục đạo đức cách mạng cho học sinh nói riêng.
Trong đó có Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 62 về thực hiện Quyết định 1895 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, bảo đảm nội dung tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sở đã cung cấp cho tất cả các trường học từ THCS đến THPT trong toàn tỉnh bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh” để sử dụng trong giảng dạy theo hướng tích hợp với môn Giáo dục công dân, các môn học liên quan. Việc tích hợp đảm bảo phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, đặc trưng từng môn học.
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học và xây dựng tổ tư vấn tâm lý cho học sinh; xây dựng chương trình, hoạt động tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh.
100% đội ngũ làm công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó, có kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm để truyền tải thông tin, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và vận dụng hiệu quả trong cuộc sống.
Điểm nhấn quan trọng nhất là từ năm học 2023-2024, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh còn được ngành Giáo dục tỉnh tích hợp vào chương trình giảng dạy, đưa nội dung nét đẹp văn hóa Vĩnh Phúc vào Bộ tài liệu giáo dục địa phương.
Ngay từ lớp 6, các em học sinh được học về các thời kỳ lịch sử từ trước năm 1950 đến nay; tìm hiểu, nghiên cứu về những di sản văn hóa vật thể tiêu biểu ở Vĩnh Phúc như tháp Bình Sơn, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo; Di tích lịch sử chiến khu Ngọc Thanh… Đây là những kiến thức bổ ích, có giá trị to lớn để giáo dục học sinh về truyền thống, lịch sử của dân tộc cũng như những giá trị văn hóa của người dân Vĩnh Phúc.
Để nâng cao hiệu quả chương trình giảng dạy, các cơ sở giáo dục không ngừng nghiên cứu, đổi mới phương pháp để tạo sự sôi nổi, hấp dẫn trong giờ học.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin giúp học sinh cập nhật nhiều nguồn tư liệu phong phú, đem lại hiệu quả cao.
Chú trọng tấm gương điển hình, người tốt, việc tốt để giáo dục, nêu gương cho học sinh về tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cống hiến vì lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Cùng với việc giảng dạy đạo đức, lý tưởng cách mạng, các nhà trường còn thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực học đường.
Hằng năm, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh, công an… rà soát, kiểm tra các nhà hàng, quán kinh doanh về trò chơi điện tử để phát hiện học sinh vi phạm, kịp thời giáo dục, uốn nắn, răn đe.
Thực hiện mục tiêu xây dựng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục tăng cường chương trình giảng dạy, trau dồi lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, từ đó, giúp các em biết trân quý, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lê Minh