Lặng lẽ sau những buổi chiều muộn, người thầy thuốc chân phương đứng nhìn đồng nghiệp của mình đang làm việc trong ca trực mà lòng nặng trĩu suy tư... Đó là những cảm xúc bình dị của người “thuyền trưởng” đang chèo lái “con thuyền y đức” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Tịnh, Giám đốc bệnh viện.
Bàn tay phẫu thuật tài hoa
Là một bác sĩ chuyên ngành ngoại khoa, bác sĩ Lê Văn Tịnh luôn là người tiên phong trong những ca phẫu thuật khó. Với chuyên môn vững vàng, anh đã giành lại mạng sống cho biết bao người bệnh từ tay tử thần.
Năm 1999, rời ghế Trường đại học Y Dược Thái Nguyên, người thầy thuốc trẻ Lê Văn Tịnh mang trong mình những kiến thức y khoa về phục vụ người dân tỉnh nhà. Thay vì đến các bệnh viện lớn làm việc, anh tình nguyện về trạm y tế khám, chữa bệnh không lương. Được tiếp cận với ước mơ của mình khi còn nhỏ, miệt mài khám, chữa bệnh cho người dân, anh thấy trân trọng con đường mình theo đuổi.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Tịnh - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, anh nhận ra rằng có rất nhiều căn bệnh phức tạp mà bản thân anh chưa gặp, kinh nghiệm chưa có, đó là điều khó khăn cho anh. Vì vậy anh nhận ra, muốn giúp được nhiều cho người dân cũng như bản thân có được nhiều kinh nghiệm, anh cần phải học hỏi nhiều hơn nữa.
Năm 2003, người thầy thuốc trẻ nhận công tác tại đơn vị mới. Sau khi được phân công tại Khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhờ nghiêm túc học hỏi, làm việc đầy trách nhiệm, anh nhanh chóng trở thành bác sĩ phẫu thuật chính của khoa. Tại thời điểm đó, bệnh viện tuy mới được nâng hạng trở thành bệnh viện hạng I, nhưng cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Vượt lên hết những khó khăn cùng với sự kiên trì và lòng say mê với nghề đã giúp anh nhanh chóng trở thành bác sĩ ngoại khoa đầu tiên của bệnh viện triển khai thành công nhiều ca phẫu thuật khó như vỡ gan, vỡ lách...
Trong các ca bệnh khó này, có một trường hợp khiến anh nhớ mãi không quên. Buổi tối hôm đó, mặc dù không phải ca trực của mình, nhưng khi được đồng nghiệp báo có người bệnh là Nguyễn Văn N (29 tuổi) vào viện bị tổn thương tim do bị kéo đâm vào, bác sĩ Tịnh nhanh chóng có mặt tại khoa cùng anh em đồng nghiệp hội chẩn để tiến hành phẫu thuật. Mặc dù người nhà vẫn còn những lo lắng và nhiều băn khoăn, nhưng anh đã nhanh chóng trấn an người nhà bằng kinh nghiệm và cái tâm của mình. Nhìn thấy sự chân thành của anh, người nhà đã đồng ý để anh cùng đồng nghiệp phẫu thuật cấp cứu ngay trong đêm.
Với bàn tay nhanh nhẹn và đầy kinh nghiệm, anh nhanh chóng khống chế được vết thương. Tuy nhiên, do người bệnh mất máu nhiều khiến ca phẫu thuật gặp khó khăn. Ca mổ kéo dài hơn so với dự tính, có những lúc tưởng chừng như người bệnh đang kề cận với tử thần. Mặc dù vậy, anh và đồng nghiệp vẫn không nản lòng, đem tất cả nhiệt huyết của mình để giành giật sự sống cho người bệnh.
Sau đó, ca mổ thành công tốt đẹp, người bệnh trải qua giai đoạn nguy hiểm. Sau nhiều ngày chăm sóc tận tình và theo dõi sát sao của anh và đồng nghiệp, người bệnh đã ra viện trong niềm vui và cảm xúc nghẹn ngào. Trước lúc ra viện, anh N chờ bằng được bác sĩ Tịnh đi phẫu thuật về để nói lời cảm ơn người đã cứu sống mình. Hành động thiết thực đó khiến anh vô cùng xúc động và là động lực để anh và đồng nghiệp không ngừng nỗ lực, cố gắng trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Được sự tin tưởng của lãnh đạo bệnh viện, anh được bổ nhiệm là Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp từ tháng 11/2015. Dưới sự lãnh đạo của anh, Khoa Ngoại đã từng bước trở thành một trong những khoa trọng điểm của bệnh viện, đưa bệnh viện trở thành đơn vị đầu ngành của tỉnh trong việc triển khai các phẫu thuật chuyên sâu như cắt dạ dày toàn bộ, cắt đa tạng trong ung thư, cắt khối tá tụy...
Sự thành công của anh và các bác sĩ đã thu hút lượng lớn người bệnh ở lại điều trị, giảm tải áp lực cho tuyến trên. Cứ mỗi năm, Khoa Ngoại thu dung và điều trị khoảng 2.600 người bệnh, phẫu thuật trung bình 1.400 bệnh nhân.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng, anh đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp… Anh cũng là chủ nhiệm 2 đề tài khoa học cấp tỉnh (năm 2013 và 2019) và nhiều đề tài cơ sở.
Lan tỏa những thành quả tốt đẹp cho tuyến dưới
Là một người anh, một người thầy, bác sĩ Tịnh không chỉ truyền kinh nghiệm mà còn nhiệt tình hướng dẫn các bác sĩ trẻ, giúp họ trở nên tự tin hơn trong chuyên môn; dần đưa các kỹ thuật chuyên sâu trở thành phẫu thuật thường quy, mở ra những bước tiến mới cho ngành phẫu thuật tỉnh nhà với các phẫu thuật nội soi thông thường như cắt túi mật, cắt ruột thừa, khâu lỗ thủng ổ loét dạ dày - hành tá tràng… đáp ứng được một phần nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Bác sĩ Lê Văn Tịnh nhận cúp tại hội nghị khoa học kỹ thuật các bệnh viện vùng duyên hải Bắc Bộ
Không chỉ riêng bệnh viện, anh đi theo Chương trình 1816 về các tuyến huyện chuyển giao công nghệ phẫu thuật mới và chuyên sâu giúp các đơn vị y tế tuyến huyện phát triển chuyên môn.
Điển hình là ở Bệnh viện huyện Sông Lô (nay là Trung tâm Y tế huyện Sông Lô), mặc dù trang thiết bị được coi là đầy đủ cho những ca mổ thông thường, nhưng chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa ngoại còn hạn chế.
Khi giảng dạy, thấy mọi người vẫn còn mung lung sợ không thành công, anh cười và đồng hành cùng anh em, thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc” cả ngày lẫn đêm bởi anh tâm niệm rằng: “Có chăm chỉ sẽ có thu hoạch, có đất thì có bóng xanh, có mưa sẽ có nắng. Chỉ cần một người làm việc một cách nghiêm túc, trách nhiệm sẽ thu được thành quả”.
Vào một buổi chiều muộn, khi anh chuẩn bị trở về thành phố thì có một bà mẹ bế cháu bé khoảng 10 tuổi hớt hải chạy vào viện. Cháu bị đau bụng dữ dội, nôn và sốt. Qua thăm khám, anh chẩn đoán cháu bị viêm ruột thừa cấp và nhanh chóng cùng anh em chuẩn bị phòng mổ sau khi các thủ tục hoàn tất. Anh đứng bên các học trò của mình để họ tự tin thực hiện ca phẫu thuật. Ca mổ do các bác sĩ của bệnh viện tuyến huyện đã thành công tốt đẹp, mở đầu cho một bước tiến mới của bệnh viện.
Với sự nỗ lực và những cống hiến của mình, năm 2020, anh được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và được bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Vững vàng trước mọi chông gai
Dù ở cương vị mới, nhưng bác sĩ Tịnh luôn đồng hành cùng anh em trong công tác chuyên môn. Khi dịch Covid-19 diễn ra, anh cùng đồng nghiệp thường xuyên bám sát diễn biến tình hình dịch. Tham gia công tác điều trị tại các bệnh viện dã chiến cơ sở 1 và 2 với cương vị Giám đốc bệnh viện dã chiến, anh quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch; luôn quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, không chủ quan, lơ là.
Ngày đêm phối hợp với các chuyên gia hội chẩn trực tuyến, đưa ra phương pháp điều trị áp sát tình hình thực tế của người bệnh. Kiểm soát được tình hình diễn biến nặng của người bệnh, giảm tỷ lệ tử vong. Sau khi thấy tình hình người bệnh tại bệnh viện dã chiến ổn định, lãnh đạo điều anh về nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào tháng 7/2021.
Mang trên vai trọng trách mới, đặc biệt trong thời điểm dịch bùng phát, anh nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục cử cán bộ tham gia hỗ trợ trạm y tế xã, phường điều trị Covid tại nhà, thực hiện công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 phủ rộng toàn tỉnh.
Khi tình hình dịch Covid-19 đã được khống chế thì thiên tai lại ập đến. Trong đợt mưa lịch sử tháng 5/2022, với lượng mưa lớn trên diện rộng, kết hợp việc xả lũ tại các hồ đập thượng nguồn nên đã xuất hiện úng lụt trên diện rộng tại thành phố Vĩnh Yên và các huyện lân cận. Bệnh viện nằm trong vị trí trũng của thành phố, nước lũ tràn về làm ngập toàn bộ lối đi trong bệnh viện. Các khoa, phòng ở vị trí tầng 1 đều bị ngập. Do vậy, bệnh viện đã tạm thời dừng hoạt động khám, điều trị cho bệnh nhân. Anh cùng đồng nghiệp đội mưa để di chuyển 368 bệnh nhân đến các bệnh viện trong tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện được an toàn.
Những khao khát bình dị của người thuyền trưởng
Sau khi dịch bệnh và thiên tai qua đi, anh xây dựng kế hoạch, chủ động định hướng phát triển toàn viện về quy mô và chuyên sâu; vừa đẩy mạnh phát triển chuyên môn kỹ thuật, vừa có chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo tiến trình ngắn, trung và dài hạn. Triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, vượt tuyến.
Hiện nay, ngành Y tế thời đại 4.0 phải đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức. Làm thế nào để đội ngũ nhân viên y tế có được cuộc sống tốt hơn, không bị chảy chất xám trong các bệnh viện công là một bài toán kinh tế đặt trên vai của tất cả các lãnh đạo bệnh viện. Theo quan điểm của anh việc phát triển chuyên môn, cải tiến cung cách phục vụ là việc cấp thiết nhất. Song song với nó là sự phát triển về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.
Mặc dù bệnh viện hiện giờ được xây mới theo phong cách hiện đại và tân tiến nhất 6 tỉnh phía Bắc, nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều trang thiết bị kỹ thuật cao. Nguồn nhân lực còn thiếu thốn, để bệnh viện ngày một phát triển, anh luôn mong muốn triển khai được những đề án như quản lý sức khỏe cộng đồng, người dân có thể biết được tình trạng sức khỏe của mình qua bệnh án điện tử, quản lý dược, quản lý tài chính, quản lý về nhân lực theo đúng chuyên ngành vị trí… tạo thành một hệ thống module về quản lý.
Theo quan niệm của anh, một con thuyền phải đủ mạnh mới có thể vượt sóng ra khơi, một bệnh viện muốn đạt được tiêu chuẩn ISO phải có nền tảng và những yếu tố trên mới cấu thành được. Và điều quan trọng làm cho anh lúc nào cũng trăn trở, ưu tư đó là cải thiện đời sống của cán bộ, nhân viên.
Anh không chỉ là một người bình dị, luôn gần gũi với người bệnh cũng như cán bộ, nhân viên của mình, luôn hiểu rõ tâm tư họ, mà anh còn luôn động viên và ủng hộ anh em cập nhập, tìm tòi những điều mới mẻ từ chuyên môn đến cung cách phục vụ trên mạng internet, nhằm đáp nhu cầu phát triển của xã hội trong công cuộc chăm sức khỏe toàn dân.
Tuổi thanh xuân của người thầy thuốc là những cống hiến cho ngành y đức, sự bình dị trong lối sống của anh là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ sau noi theo. Giống như một câu nói “Thiên tài và đức hạnh giống như viên kim cương, đẹp nhất là lồng trong một chiếc khung giản dị”.
Bài, ảnh: Anh Đào
(Bệnh viện Đa khoa tỉnh)