Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đoàn viên Nguyễn Thị Oanh ở thôn Cẩm Bình, xã Tân Lập, huyện Sông Lô đã biến vùng đất đồi bỏ hoang nhiều năm thành một trang trại quy mô lớn, với hơn 1.000 gốc thanh long và hàng chục con dê, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Mô hình trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Oanh (bên phải) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kim Ly
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Khoa Kế toán, Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc, chị Oanh về làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lập Thạch. Công việc văn phòng tuy không vất vả nhưng mức thu nhập không cao.
Nhận thấy lợi thế đất đồi tại quê hương, chị bàn với chồng quyết tâm biến vùng đất nơi đây thành một trang trại bạt ngàn hoa trái. Sau khi tìm hiểu thực tế một số mô hình trồng cây ăn quả của người dân huyện Lập Thạch và huyện Sông Lô, chị Oanh đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để cải tạo lại hơn 1 mẫu đất và trồng hơn 500 gốc thanh long ruột đỏ.
Chị Oanh cho biết, nhiều khu đất đồi ở xã bị bỏ không nhiều năm, một số loại cây được trồng như bưởi, ổi, vải không mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân không mặn mà. Địa thế dốc cộng với việc đất đồi bỏ hoang nhiều năm nên gia đình tôi đã phải bỏ nhiều công sức để cải tạo. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm nên vụ thanh long đầu tiên cho năng suất kém, một số cây không ra quả, nhiều quả bị sâu và hỏng.
Tôi đã tự rút kinh nghiệm, đồng thời tìm tòi, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ trên YouTube. Vì vậy, hơn 500 gốc thanh long của gia đình phát triển tốt, cho năng suất cao, quả to, đẹp và ngọt đậm hơn.
3 năm sau trồng thanh long, tôi đã thuê thêm 1 mẫu đất để mở rộng diện tích trang trại với hơn 1.000 gốc. Quá trình trồng cây thanh long, tôi nhận thấy loại cây này chỉ cần bỏ chi phí đầu tư ban đầu, nếu chăm sóc tốt sẽ được thu hoạch từ 7 - 10 năm mới phải trồng lại.
Vụ thanh long bắt đầu từ tháng 5-11, nên gia đình tôi thuê thêm 3 - 5 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán từ 8 - 10 tấn thanh long với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Năm 2020, nhận thấy một số nhà hàng trên địa bàn huyện có nhu cầu tiêu thụ thịt dê lớn, nhưng lại thiếu nguồn cung, chị Oanh quyết định nuôi thêm 20 con dê. Đàn dê chủ yếu ăn cỏ, cám gạo, cám ngô, nên thịt thơm ngon, được nhiều nhà hàng thu mua; người dân khi có nhu cầu cũng tìm đến gia đình chị để mua và trở thành khách hàng quen thuộc.
Chị Oanh đã tăng số lượng đàn và duy trì nuôi mỗi năm 50 con dê. Ngoài ra, chị còn kết hợp nuôi hơn 100 con gà thả vườn, tận dụng phân gà và phân dê để bón cho thanh long.
Chị Oanh chia sẻ: “Khi mới khởi nghiệp, mọi người đều nghĩ những người trẻ như tôi khó có thể thành công. Nhưng tôi luôn có suy nghĩ tích cực và lạc quan trước những khó khăn, bởi chỉ cần có sức khỏe và ý chí thì mọi việc đều có thể làm được”.
Không chỉ năng động phát triển kinh tế, chị Oanh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn ở địa phương. Chị cùng các đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia hoạt động trại hè, tình nguyện vùng cao, trao tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn...
Bí thư Đoàn xã Tân Lập Hà Hải Yến cho biết: “Chị Oanh là một đoàn viên năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động của tổ chức Đoàn, sẵn sàng giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên trong xã; là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế để đoàn viên, thanh niên địa phương học và làm theo”.
Bài, ảnh: Kim Ly