(Tham luận của Báo Cao Bằng tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 28, năm 2023)
Cao Bằng là tỉnh miền núi nơi địa đầu Tổ quốc, có đường biên giới giáp Trung Quốc dài 333 km, dân số hơn 51 vạn người, gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa, Sán Chỉ, Lô Lô..., sinh sống ở 10 huyện, thành phố với 161 xã, phường, thị trấn, trong đó, có 126 xã đặc biệt khó khăn.
Mô hình nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa được nhân rộng tại các vùng quê ở Cao Bằng.
Cùng với cả nước, hơn 10 năm qua, Cao Bằng đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo của tỉnh, các cấp, ngành và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã phát triển mạnh mẽ… Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Kinh tế nông thôn từng bước tăng trưởng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Thành quả đó là sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân, trong đó có sự đóng góp tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh.
Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, Báo Cao Bằng đã có nhiều nỗ lực trong công tác thông tin tuyên truyền, qua đó đóng góp tích cực vào kết quả phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của tỉnh. Báo tập trung tuyên truyền vấn đề nông nghiệp, nông thôn; mở chuyên mục Xây dựng nông thôn mới trên các ấn phẩm: Báo in, Tờ tin ảnh vùng cao hằng tháng và Báo điện tử Cao Bằng. Hằng tháng, Báo xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể, kịp thời đăng tải các văn bản chỉ đạo, nội dung, kế hoạch triển khai chương trình, cơ chế chính sách, tiềm năng, thế mạnh của địa phương..., giúp người dân hiểu đầy đủ về nông thôn mới để có những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Trong công tác tuyên truyền, Báo Cao Bằng luôn xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, phải có nguồn lực to lớn. Trong khi nguồn ngân sách của Nhà nước còn hạn chế, rất cần huy động sự tham gia của toàn xã hội, từ việc vay vốn tín dụng ngân hàng, nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, sự hăng hái tham gia tích cực của người dân bằng các hình thức như: Đóng góp nguyên vật liệu, công sức, hiến đất xây dựng các công trình công cộng tại cơ sở... đây là nguồn lực quan trọng trong việc thực hiện chương trình tại địa phương. Chính vì vậy, các bài viết, phóng sự trong và ngoài chuyên mục trên các ấn phẩm của Báo Cao Bằng đã chuyển tải đầy đủ các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh; các nội dung về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các năm và giai đoạn 2021 - 2025; các chuyên đề nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025… Các chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thương hiệu của tỉnh, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”… Qua đó, góp phần làm cho người dân thay đổi mạnh mẽ tư duy, nhận thức về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Người dân hiểu được những lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của chương trình, xóa bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại. Cán bộ, nhân dân đã cơ bản nhận thức rằng, cốt lõi của xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, từ đó, có thể thực hiện nhanh chóng và bền vững các tiêu chí nông thôn mới theo quy định.
Nông dân thị trấn Tinh Túc, huyện Nguyên Bình cấy lúa mùa.
Trên các ấn phẩm, có nhiều bài viết về các chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP, phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP xanh; nâng cao hiệu quả của hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm, bán hàng online… Đồng thời, tuyên truyền về các điển hình, những cách làm hay, sáng tạo, những xã khó khăn có nhiều cách làm sáng tạo, áp dụng các cơ chế chính sách hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới. Phản ánh những khó khăn, bất cập, tồn tại, những biểu hiện thiếu tích cực trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, các ý kiến đề xuất tháo gỡ khó khăn... Mỗi năm, Báo đăng tải khoảng 800 tin, bài, ảnh về xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền tạo được sự chuyển biến nhất định trong nhận thức, sự huy động sức mạnh tổng hợp để xây dựng nông thôn mới. Nhiều gia đình, cá nhân tự nguyện hiến đất xây dựng trường học, nhà văn hóa xã, mở đường giao thông, xây dựng kênh mương, bể chứa nước vùng cao... Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng các công trình: Điện, đường, trường, trạm tại các địa phương trị giá nhiều tỷ đồng..., góp phần tạo tiền đề quan trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đồng thời qua công tác tuyên truyền Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên các ấn phẩm của Báo Cao Bằng, phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn, mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, với đặc thù là một tỉnh miền núi, kinh tế kém phát triển, Cao Bằng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong thực hiện chương trình. Đánh giá theo Bộ tiêu chí 2016 - 2020, toàn tỉnh có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, theo Bộ tiêu chí 2021 - 2025, cả tỉnh không có xã nào đạt nông thôn mới, xã cao nhất chỉ đạt 17/19 tiêu chí. Bình quân chung của cả tỉnh Cao Bằng chỉ đạt 9,19 tiêu chí/xã.
Do vậy, để hoàn thành 19 tiêu chí theo đúng yêu cầu, Cao Bằng còn nhiều việc phải làm, trong đó còn nhiều khó khăn ở cơ sở đang chờ được tháo gỡ, rất cần sự huy động nguồn lực và trách nhiệm cao hơn nữa của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Vì thế, công tác tuyên truyền trên Báo Cao Bằng được Ban Biên tập Báo Cao Bằng xác định là nhiệm vụ quan trọng và phải tiếp tục thực hiện thật tốt, để Báo Cao Bằng thực sự trở thành kênh thông tin quan trọng, tuyên truyền, phản ánh kịp thời tiến độ của chương trình, sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội, quyết tâm cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.